Khi các thương hiệu châu Á 'cưỡi sóng' công nghệ số ra biển lớn
Hạ tầng kỹ thuật số giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ, tương tác với người dùng một ngày một hiệu quả hơn.
Phủ sóng trên toàn cầu, các trải nghiệm số đang tái định hình cách con người kết nối, mang lại tính linh động cao, thúc đẩy thương mại và cung cấp một nền tảng tuyệt vời để tương tác với người tiêu dùng. Đó cũng là động lực tạo nên sự trỗi dậy của các thương hiệu tại châu Á - lục địa phát triển nhanh và số hóa mạnh mẽ trên thế giới.
Thành công không đến chỉ sau một đêm
Là thị trường tỷ dân được tất cả thương hiệu quốc tế thèm khát, nhưng ở chiều ngược lại, cuộc đua vươn ra biển lớn của những nhãn hàng Trung Quốc không hề dễ dàng.
David Roth - Giám đốc Điều hành mảng bán lẻ của WPP châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á cho rằng không khó để bán hàng dựa trên giá trị thực của nó, nhưng để xây dựng một thương hiệu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
"Trong một thời gian dài, mọi sản phẩm đóng mác Trung Quốc thường dấy nên những dấu chấm hỏi về chất lượng", David Roth
Tuy nhiên, thông qua hạ tầng kỹ thuật số, thị trường Trung Quốc trở nên minh bạch hơn. Khách mua hàng trong nước và trên thế giới cũng vì thế mà gia tăng niềm tin với thương hiệu, đặc biệt khi họ có thêm thông tin làm cơ sở cho các lựa chọn mua sắm của mình.
Reitermann - Giám đốc Điều hành Ogilvy Trung Quốc nhìn nhận nhiều thương hiệu thành công không phải nhờ quảng cáo đơn thuần, mà bởi họ là các thương hiệu cung cấp dịch vụ và tiện ích đã tìm ra cách để tương tác với người tiêu dùng hằng ngày thông qua công nghệ. Ông cũng lấy dẫn chứng về WeChat như một ví dụ điển hình trong việc giữ người dùng ở trong một ứng dụng duy nhất mà không cần chuyển qua sử dụng bất cứ ứng dụng nào khác. Không chỉ là một ứng dụng tin nhắn thông thường, WeChat đem đến một nền tảng nội dung tích hợp với đa dạng các tiện ích như đọc báo, mua sắm...
"Vấn đề không phải là chiếc điện thoại nào có camera tốt nhất hay cấu hình mạnh nhất. Thương hiệu tồn tại được là nhờ luôn có mặt trong đời sống của con người và kết nối với họ mỗi ngày", Reitermann cho biết thêm.
Thương hiệu cất cánh nhờ nội dung số hóa
Truyền thông số tại châu Á đã thay đổi khi làn sóng công nghệ mang dữ liệu lớn đến làm đòn bẩy cho nội dung tỏa sáng. Sự bùng nổ mạnh mẽ của các công cụ kỹ thuật số cũng cho phép các thương hiệu nhiều phương tiện hơn khi triển khai các nội dung truyền thông.
Bà Nguyễn Diệu Cầm - Tổng giám đốc T&A Ogilvy nhận xét trong thời đại tất cả mọi người đều trang bị những công cụ đột phá như nhau, sự thành công của các thương hiệu chỉ có thể đến từ sự khác biệt và những nội dung chất lượng được tạo nên từ sự thấu hiểu sâu sắc người tiêu dùng.
Viral video hay TVC không còn là "vũ khí bất bại" trong mọi chiến dịch truyền thông như trước. Thay vào đó là những nội dung tương tác vừa kích thích người dùng kết nối với thương hiệu, vừa truyền tải thông điệp đến rộng rãi đối tượng mục tiêu.
Tại Việt Nam, ZaloPay là ví dụ cho thành công nhờ tương tác với người dùng thông qua chiến dịch "Săn Heo chiêu tài" dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Lên ý tưởng và thực hiện bởi Ogilvy Việt Nam, chiến dịch này lấy cảm hứng từ hình ảnh mèo chiêu tài của Nhật Bản, ứng dụng công nghệ AR, khuyến khích người dùng nuôi heo bằng cách lì xì trực tuyến cho bạn bè, người thân... Hỗ trợ cho hoạt động này là hàng loạt công cụ như quảng cáo trên YouTube, sự xuất hiện của người nổi tiếng, mã QR trên phố kết nối online - offline. Sau gần một tháng khởi động chiến dịch Tết 2019, ZaloPay đạt mốc tăng trưởng 400% tổng số giao dịch thanh toán so với Tết năm trước.
Chuyển đổi số cũng đưa tiếp thị hiện đại vượt ra khỏi câu chuyện ý tưởng lớn và đối thoại một chiều. Trong bối cảnh hàng trăm thương hiệu cùng đăng tải nội dung trên Facebook vào cùng một khung giờ vàng, đối thoại cá nhân hàng ngày, hàng giờ trở thành công cụ mới, thu hút sự quan tâm của người dùng.
Chiến dịch quảng bá thương hiệu Đài Loan Taiwan Excellence trong năm vừa qua thể hiện rõ nét phương pháp này. Đồng hành cùng Taiwan Excellence ngay từ khi thương hiệu này bước chân vào Việt Nam vào năm 2010, Ogilvy Việt Nam đã bắt tay với Zalo thực hiện bộ nhãn chú gấu Tiểu đỉnh. Đây là linh vật của Đài Loan với những biểu cảm ngộ nghĩnh khi sử dụng những đột phá công nghệ của Taiwan Excellence. Dự án thành công vượt kỳ vọng khi luôn nằm trong top nhãn yêu thích của Zalo và được sử dụng trong gần 7 triệu lượt chat, thu hút gần hai triệu lượt tải sau 6 tháng xuất hiện.
Sự thành công của các chiến dịch trên mới chỉ là bước khởi đầu cho kỷ nguyên kỹ thuật số và nội dung sáng tạo. "Content is King" - nội dung vẫn là "vũ khí hạng nặng" để các thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng.
Nhằm tiếp tục cập nhật những xu hướng sáng tạo nội dung mới trong thời đại chuyển đổi số, T&A Ogilvy đã ra mắt không gian Ogilvy Content Studio.
"Với sự ra mắt của Content Studio, Ogilvy sẽ là con tàu đưa thương hiệu tới những xu hướng mới và sự sáng tạo không ngừng của nội dung trong thời đại chuyển đổi số", bà Nguyễn Diệu Cầm cho biết thêm.
Sự kiện ra mắt Tuần lễ Ogilvy Việt Nam cũng tổ chức loạt chương trình chuyên sâu từ 15-22/3 tại TP HCM và Đà Nẵng. Trong khuôn khổ sự kiện, các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Ogilvy tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thảo luận về những vấn đề trong ngành tiếp thị hiện nay, bao gồm vấn đề sáng tạo nội dung, ảnh hưởng của truyền thông và chuyển đổi kỹ thuật số.
Nam Anh
No comments