Doanh nghiệp Việt chủ động tìm lối đi riêng khi ngành đường gặp khó
Cơ giới hóa, cải tiến nhà máy, giảm chi phí, đa dạng sản phẩm… là cách doanh nghiệp mía đường vượt khó, đẩy mạnh tăng trưởng trong dài hạn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến trong niên vụ mía năm nay, thị trường cả nước có hơn 2,2 triệu tấn đường. Trong đó lượng đường sản xuất hơn 1,5 triệu tấn, tồn kho hơn 600.000 tấn, nhập khẩu theo cam kết với WTO dự kiến 94.000 tấn.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước chỉ ở mức 1,6 triệu tấn, như vậy thừa đến hơn 576.000 tấn đường. Áp lực tiêu thụ đường giữa lúc tồn dư lớn gây ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp mía đường trong nước. Thách thức càng lớn khi giá đường thế giới hiện ở mức thấp nhất trong chu kỳ 4-5 năm qua.
Trước áp lực từ nhiều phía, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp cần vững về vùng nguyên liệu và mạnh về sản xuất, từ đó mới có thể giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm và nâng tính cạnh tranh.
Một số doanh nghiệp sở hữu tiềm lực lớn trong nước đã có sự ứng phó chủ động trong nhiều năm qua. Điển hình tại Đường Quảng Ngãi, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ nhằm củng cố thế mạnh về nguyên liệu và năng lực sản xuất của đơn vị này.
Ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch Công ty CP Đường Quảng Ngãi xác định trọng tâm chiến lược 2019 là đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, chuyển đổi giống mía, phương pháp canh tác, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. |
Ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) cho biết, doanh nghiệp nhận thức rõ thách thức chung của toàn ngành đường hiện nay. Tuy nhiên do xác định đường là mảng chủ lực và phát triển bền vững, công ty không vì khó khăn hiện tại mà thu hẹp hoạt động.
"Tầm nhìn của công ty trải rộng đến 10-20 năm tới, chứ không dừng ở một hai chu kỳ. Do đó chúng tôi xác định chiến lược phát triển là mở rộng vùng trồng, đẩy mạnh cơ giới hóa, cải tiến công nghệ để vượt qua ‘tâm bão’ và duy trì đà tăng trưởng", ông Đàng khẳng định.
Hiện nhà máy đường An Khê (Gia Lai) thuộc Đường Quảng Ngãi có vùng trồng mía lớn nhất nhì cả nước với tổng diện tích trên 30.000ha, khai thác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, mỗi đám mía hơn 30ha. Kỳ vọng trong ba năm tới, vùng này mở rộng lên 40.000ha. Đại diện Đường Quảng Ngãi cho biết sở dĩ đẩy mạnh khai thác vùng nguyên liệu này bởi có nhiều lợi thế phù hợp để nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng giống và duy trì nguồn cung mía ổn định.
Trước hết, tập trung vùng nguyên liệu tạo điều kiện xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, từ đó cơ giới hóa, ứng dụng máy móc thiết bị công suất lớn, đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu suất thu hồi. Năng suất trung bình năm toàn vùng năm 2017 lên đến 74 tấn mía một hecta, cao hơn cả năng suất bình quân của Thái Lan là 72 tấn.
Nhà máy An Khê (Gia Lai) của Đường Quảng Ngãi sở hữu vùng nguyên liệu lớn nhất cả nước. |
Mặt khác, vùng núi An Khê có thời tiết giao thoa giữa Tây Nguyên và đồng bằng Trung Bộ, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với cây mía, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội so với cây trồng khác, góp phần giữ nông dân gắn bó với ngành.
Việc thuê đất diện tích lớn cũng góp phần giúp giảm giá thuê, giá thuê chỉ 2-2,5 triệu đồng một hecta, thấp hơn 10 lần so với vùng Tây Ninh.
Giữa lúc ngành đường gặp khó, công ty vẫn đầu tư xây dựng nhà máy đường An Khê với quy mô lớn nhất cả nước, hoạt động tập trung nhằm tiết giảm chi phí vận hành, vận chuyển và năng lượng tiêu thụ. Tình hình tài chính cân bằng là điều kiện giúp doanh nghiệp này mạnh dạn "xuống tiền" đầu tư bổ sung 1.440 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền đường tinh luyện RE công suất 1.000 tấn một ngày. Tổng vốn đầu tư các nhà máy đường, điện sinh khối và đường tinh luyện lên đến 7.100 tỷ đồng.
Ngoài sản xuất đường tinh luyện từ mía nguyên liệu, đơn vị còn nhập khẩu đường thô sản xuất đường tinh luyện nhằm tranh thủ giá nguyên liệu nhập khẩu thấp, nâng cao hiệu suất thu hồi. Khi hoàn thiện, nhà máy đường từ mía và nhà máy đường tinh luyện An Khê sẽ cung cấp ra thị trường 600.000-700.000 tấn một năm, chiếm một phần ba nhu cầu tiêu thụ đường cả nước.
Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm được triển khai từ nhiều năm nay. Theo đó đầu ra của công ty hiện không chỉ có đường mà còn có điện và sắp tới là nhiên liệu sinh học ethanol. Riêng mảng điện, năm 2018 nhà máy điện sinh khối An Khê (Gia Lai) đã phát lên lưới 110 triệu kW, mang về doanh thu 150 tỷ đồng. Dự kiến khi nhà máy đi vào vận hành ổn định hết công suất, doanh thu hàng năm đóng góp 300 tỷ đồng.
Với đường thành phẩm, bên cạnh phân phối B2B, ông Võ Thành Đàng cho biết công ty sẽ đẩy mạnh kênh bán lẻ, kể cả với thị trường xuất khẩu. Đóng gói bao bì đa dạng hơn trước, phục vụ cho các hộ gia đình, nhà hàng – khách sạn, đổi mới cách tiếp cận người tiêu dùng...
Chuyên gia Võ Tòng Xuân nhận định trong bối cảnh mía đường gặp khó, Đường Quảng Ngãi đang thực hiện tốt chiến lược giữ thị phần và nâng cao tính cạnh tranh bền vững. Chuyên gia nông nghiệp khuyến nghị để tăng tính cạnh tranh của đường trong nước trước thời điểm Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đang đến gần, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nhà máy và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, vận hành.
"Nếu đơn vị này tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn, cơ giới hóa, hoàn thiện nhà máy thì hoàn toàn có khả năng giữ thị phần, cạnh tranh sòng phẳng với đường Thái Lan trên sân nhà", chuyên gia nông nghiệp khẳng định.
Đại diện doanh nghiệp dự báo cuối năm nay, giá đường sẽ phục hồi và bước vào chu kỳ giá mới. Việc Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ tháng 1/2020 cũng sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường đường, giảm đường nhập lậu, tạo công bằng cho nhập khẩu nguyên liệu đường giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ chính của doanh nghiệp là duy trì được doanh thu và tích cực đầu tư vào hoạt động nguyên liệu, sản xuất để đón đầu cơ hội này. Theo đó, Đường Quảng Ngãi cho biết doanh thu năm 2019 tăng nhẹ so với thực hiện 2018 lên 8.400 tỷ đồng.
Theo đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu, rà soát những nhà máy, vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000 ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.
Khánh Anh
No comments