Chiến lược kinh doanh khác biệt của Công ty Đại Việt - Bất Động Sản Sài Gòn

Breaking News

Chiến lược kinh doanh khác biệt của Công ty Đại Việt

Doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh từ sự khác biệt trong chất lượng sản phẩm, trong lựa chọn nhân tài - đối tác và quảng bá thương hiệu. 

Từ cậu bé nông thôn, gia cảnh khốn khó, ông Ngô Xuân Mạnh - Tổng giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh Đại Việt - từng bước trở thành người đứng đầu doanh nghiệp điện lạnh, với doanh thu tăng từ vài chục tỷ lên hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Sau hơn 17 năm hình thành và phát triển, công ty đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực làm mát và xử lý nước.

Các thương hiệu của Đại Việt như máy làm mát Daikio, Nakami, máy lọc nước Dakiosan, Makano được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng tại thị trường Việt Nam và khu vực châu Á Thái Bình Dương. Quy mô công ty lên đến 1.000 công nhân viên, cùng hệ thống phân phối trải khắp cả nước với hơn 7.500 điểm bán hàng. Mỗi năm, đơn vị cung cấp ra thị trường hàng triệu sản phẩm máy làm mát, máy lọc nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn cung cấp và thi công hệ thống máy làm mát nhà xưởng, máy lọc nước cho hàng nghìn công trình của Tập đoàn Ôtô Trường Hải, Mecerdez, Lexus, Hutech, Tập đoàn Dệt may Việt Nam...

Để đạt những thành công này, ông Ngô Xuân Mạnh cho biết, đó chính là nỗ lực không ngừng nghỉ của cả tập thể công ty, tập trung vào những chiến lược kinh doanh khác biệt đã vạch ra từ ngày đầu thành lập.  

Khác biệt trong chất lượng sản phẩm

Theo ông Mạnh, từ khi sáng lập Đại Việt, ông đã chú trọng việc tạo sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua sự khác biệt. Theo quan điểm của ông, sản phẩm không có dấu ấn sẽ không được người tiêu dùng nhớ đến, vì thị trường luôn sôi động và có rất nhiều đối thủ tài giỏi.

Bằng cách đầu tư vào nghiên cứu, công nghệ sản xuất và dây chuyền máy móc, công ty muốn biến những nguyên vật liệu vô tri thành một "thực thể sống", có cốt cách, linh hồn. Ông Mạnh gọi đây là chiến lược "thổi linh hồn, ươm cốt cách" vào từng sản phẩm.

"Ví dụ, nhựa chỉ có giá 50.000 đồng mỗi kg, nếu là nhựa nguyên sinh hay đồng nguyên chất cũng chỉ 160.000 đồng một kg. Làm sao người tiêu dùng chấp nhận bỏ số tiền đắt gấp trăm, nghìn lần để mua khối nhựa đó khi trở thành một sản phẩm? Đó chính là điều mà một người sáng lập phải nghĩ tới, phải làm", ông Mạnh chia sẻ.

CEO Ngô Xuân Mạnh:

CEO Ngô Xuân Mạnh cho rằng, mỗi sản phẩm có linh hồn vì chứa đựng tâm huyết của người tạo ra nó. Ảnh: Hữu Khoa

Khi đã tạo ra sản phẩm mang lại doanh thu ổn định và tăng trưởng theo từng năm, Đại Việt tự tin đã làm hài lòng người tiêu dùng. Nhưng không dừng lại ở đó, công ty liên tục cải tiến chất lượng, mẫu mã hướng đến những giá trị cao hơn là khách hàng phải cảm thấy xứng đáng, tự hào về thương hiệu mà họ đã lựa chọn.

"Nếu mục tiêu gầy dựng Đại Việt chỉ để bán được nhiều sản phẩm và làm giàu, tôi đã không có ngày hôm nay. Chúng tôi chưa bao giờ ngừng trăn trở về việc làm sao cho sản phẩm thể hiện tính cách, đẳng cấp của khách hàng và vạch ra những kế hoạch cụ thể để thực hiện bài toán ấy gần 20 năm qua", vị CEO trải lòng.

Khác biệt trong lựa chọn người đồng hành

Đối với một doanh nghiệp sản xuất, công nhân viên công ty và nhà phân phối là "bạn đồng hành" trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Trong đó, công nhân viên là người tạo ra sản phẩm, hiện thực hóa các kế hoạch - mục tiêu của công ty. Còn nhà phân phối là "cánh tay nối dài", trực tiếp đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Tại Đại Việt, doanh nghiệp là một gia đình lớn, mà mỗi nhân viên trong đó đều là thành viên trong ngôi nhà chung. Những con người này chính là mấu chốt của sự phát triển và quyết định sự thành công của công ty. Do đó, công tác chiêu mộ nhân tài không chỉ chú trọng yếu tố trình độ mà còn cả đạo đức và trách nhiệm của ứng viên.

"Con người là tài sản lớn nhất, là tương lai của một doanh nghiệp. Là người sáng lập, bạn phải có ý thức về tầm quan trọng của việc này và thực hiện nó với một định hướng rõ ràng", ông Mạnh nhận định.

Lãnh đạo công ty chúc mừng và tặng quà cho nhân viên nữ dịp 8/3.

Lãnh đạo công ty chúc mừng và tặng quà cho nhân viên nữ dịp 8/3.

Đại Việt thường tuyển dụng sinh viên mới ra trường và chấp nhận dùng nhiều năm để đào tạo. Công ty quan niệm, họ là tờ giấy trắng, mang trong mình nhiệt huyết và hoài bão nhưng chưa bị nhiễm những suy nghĩ lệch lạc, thói lười nhác mà nhiều bạn trẻ mắc phải sau khi ra trường đi làm vài năm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng khẳng định không bao giờ hạ thấp tiêu chí tuyển dụng để có đủ nhân viên.

Với hệ thống phân phối, thay vì chạy đua mở rộng về số lượng, Đại Việt có những nguyên tắc khắt khe trong lựa chọn điểm bán, đại lý. Doanh nghiệp ý thức rằng, các nhà phân phối là những người mang hình ảnh sản phẩm, thương hiệu đến với người tiêu dùng. Nếu chọn nhầm hoặc không có chuẩn mực, thì sau này sẽ không có cơ hội sửa chữa, khi công ty đã phát triển lớn mạnh. 

Đó là lý do tại sao trên thị trường việt Nam có tới hơn 20.000 điểm bán, đại lý, nhưng Đại Việt chỉ chọn 7.500 điểm bán, trong đó có 3.500 đại lý chính thức ký hợp đồng dài hạn. Tất cả các đại lý được lựa chọn đều phải ký cam kết làm đúng các tiêu chí công ty đưa ra, để đảm bảo các chuẩn mực trong kinh doanh, xây dựng hình ảnh đẹp với người tiêu dùng.

Khác biệt trong quảng bá sản phẩm

Nguyên tắc đầu tiên trong truyền thông xây dựng hình ảnh thương hiệu Đại Việt là không nói sai sự thật. Đây là một thách thức lớn đối với đội ngũ marketing, vì phải mất nhiều chất xám cho việc truyền đạt đúng tinh thần cũng như giá trị của sản phẩm đến người tiêu dùng, thay vì những lời quảng cáo sáo rỗng.

Để làm được điều này, công ty xác định trước hết phải tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng thật, chất lượng đạt tiêu chí và giá thành phù hợp với chất lượng cũng như túi tiền của người dân. Khi mua sản phẩm, khách hàng còn được bán kèm một lời cam kết về chất lượng cũng như dịch vụ bảo hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đây là "chất liệu" ban đầu cho công tác quảng bá và xây dựng hình ảnh thương hiệu. Những trải nghiệm của khách hàng về chất lượng sản phẩm chính là "bảo chứng" tốt nhất cho uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.

Điểm độc đáo khác của đơn vị này là không sử dụng hình ảnh của một cá nhân nổi tiếng để làm đại sứ cho thương hiệu - việc rất phổ biến hiện nay. Các hình ảnh truyền thông của Đại Việt trước công chúng đều chân chất mộc mạc, gắn liền với các chương trình thiện nguyện, mang tính cộng đồng. 

Các kỹ thuật viên Đại Việt lắp máy lọc nước miễn phí cho các hộ dân khó khăn tại

Các kỹ thuật viên Đại Việt lắp máy lọc nước miễn phí cho các hộ dân khó khăn tại "làng ung thư" Lũng Vị (Hà Nội), làng Phước Thiện (Quảng Ngãi) và làng Mẫn Xá (Bắc Ninh) trong dịp Tết 2019.

Công ty luôn đồng hành cùng các chương trình, các tổ chức từ thiện xã hội để xây nhà tình nghĩa, điện, đường, trường, trạm, cấp học bổng cho sinh viên nghèo... Đáng chú ý là dự án "Ngày nước tái sinh" cung cấp nước sạch miễn phí cho người nghèo, bệnh viện khó khăn, trường học vùng sâu vùng xa, bến xe nơi có nhiều người nghèo chưa có nước sạch sử dụng ở 63 tỉnh, thành cả nước. Dự án có mức đầu tư dự kiến trên 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có các dự án như "Cõng điện lên bản" mang lưới điện quốc gia về với cùng cao, tài trợ dự án nhân ái cho các thí sinh hoa hậu Việt Nam 2016-2018, đấu giá từ thiện xây nhà tình nghĩa, cơ sở hạ tầng cho bà con nghèo tỉnh Quảng Nam và hàng loạt các dự án khác đang được triển khai trên khắp mọi miền đất nước.

"Với số tiền chúng tôi dành cho các dự án từ thiện, tôi tin nếu dùng để đầu tư vào truyền thông thương hiệu thì sẽ mang lại lợi ích cao hơn. Nhưng chúng tôi muốn đi một hành trình ý nghĩa", CEO Đại Việt đúc kết.

Lộc An

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat