Breaking News

Hơn 700 doanh nghiệp cho vay trực tuyến tại Trung Quốc có thể đóng cửa năm nay

Theo hãng nghiên cứu Yingcan Group, năm nay, số lượng các tổ chức cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) tại Trung Quốc có thể giảm 70% trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường siết chặt loại hình tài chính rủi ro này. Như vậy, đến cuối năm 2019, Trung Quốc nhiều khả năng chỉ còn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng.

Năm ngoái, số doanh nghiệp cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã giảm hơn 50%, xuống còn 1.021. Yingcan Group cho biết, lĩnh vực này cũng không có thêm tân binh nào kể từ tháng 8/2018.

Giới chức Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý lĩnh vực vay ngang hàng sau một thời gian bùng nổ gây ra nhiều hệ lụy, hàng nghìn người mất tiền đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình... Yidai là doanh nghiệp mới nhất dừng hoạt động trong lĩnh vực vay ngang hàng. Yidai cho biết trong một thông báo mới đây, công ty có 32.000 người cho vay với dư nợ khoảng 4 tỷ NDT (581 triệu USD) và dự kiến trả lại tiền trong vòng 5 năm.

Năm 2014, Yidai nhận vốn đầu tư từ SoftBank China Venture Capital. Đơn vị này nói rằng, họ bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn của những người cho vay khiến giá trị các giao dịch suy giảm và bắt đầu vỡ nợ. Một số lãnh đạo cao cấp của Yidai hiện không được phép rời khỏi Trung Quốc.

Cho vay ngang hàng trực tuyến là hình thức các doanh nghiệp, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân khác vay, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng. Tức là, qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.

Các nền tảng P2P là một trong những lĩnh vực rủi ro và ít chịu sự quản lý nhất tại Trung Quốc. Hình thức này bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và dần rơi vào tình trạng không được kiểm soát. Khi đạt đỉnh năm 2015, Trung Quốc có khoảng 3.500 doanh nghiệp cho vay P2P.

Tú Anh (theo Bloomberg)

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat