Nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu trái cây chính ngạch - Bất Động Sản Sài Gòn

Breaking News

Nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu trái cây chính ngạch

Phát biểu tại hội thảo "Đánh tan nỗi lo trái cây bẩn" do Công ty TNHH TM Và DV Phạm Hoàng Trang - thương hiệu Trái cây tươi nhập khẩu Greenspace Store vừa tổ chức ở TP HCM, ông Phạm Thiện Hoàng, giám đốc công ty cho biết, so với con đường tiểu ngạch, các doanh nghiệp chọn nhập khẩu trái cây chính ngạch đối mặt với nhiều khó khăn.

Đầu tiên là thủ tục nhập khẩu. Chẳng hạn, muốn nhập khẩu lô nho từ Mỹ, trước hết doanh nghiệp phải có giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Theo quy định, thời gian cấp phép là từ 3 ngày đến 3 năm, tuỳ thuộc vào loại trái cây nhập khẩu thuộc diện đã có kết quả phân tích nguy cơ dịch hại và thời gian theo dõi trước đó hay mới nhập khẩu lần đầu tiên... Giấy phép kiểm dịch thực vật này có thời hạn một năm và doanh nghiệp có trách nhiệm đề nghị cấp mới khi hết hạn.

Ông Phạm Thiện Hoàng, giám đốc Công ty TNHH Phạm Hoàng Trang trình bày tại hội thảo Đánh tan nỗi lo trái cây bẩn.

Ông Phạm Thiện Hoàng, giám đốc Công ty TNHH Phạm Hoàng Trang trình bày tại hội thảo "Đánh tan nỗi lo trái cây bẩn". Ảnh: Hữu Khoa

Sau đó, phía doanh nghiệp phải chuyển giấy phép này sang Mỹ để xin chứng thư kiểm dịch thực vật (Phytosanitary Certificate ) từ Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ - USDA và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (Certificate Of Origin) từ Phòng Thương Mại Hoa Kỳ. Khi hàng được vận chuyển về Việt Nam, đơn vị nhập khẩu còn phải xuất trình loạt giấy tờ như giấy đăng ký kiểm dịch, bản khai kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp... để xin giấy chứng nhận kiểm dịch.

Là đơn vị đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc thực hiện thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hoá, nhưng ông Hoàng cho biết, Phạm Hoàng Trang cũng mất trung bình 40-45 ngày để hoàn thành từ khâu xin giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến khi trái cây được chuyển về kho tại Việt Nam. Đó là chưa kể, trái cây tươi nhập khẩu theo đường chính ngạch cũng cần chi phí rất lớn để đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ bảo quản, cách ly trong suốt quá trình vận chuyển, lưu kho, lên kệ tủ mát cho đến công đoạn phân phối tận tay người tiêu dùng.

"Con đường chính ngạch, thực phẩm sạch thì đúng là rất sạch nhưng mà ngược lại tốn nhiều thời gian và chi phí. Người chủ phải thật sự có tâm huyết thì mới làm được", ông Hoàng chia sẻ.

Một khó khăn khác với các nhà nhập khẩu trái cây chính ngạch là chủng loại trái cây được phép nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện mới đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như Mỹ - thị trường cung cấp trái cây được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng - hiện Chính phủ hai nước mới đàm phán cho một số ít loại quả được đưa về Việt Nam, bao gồm táo, lê, nho, cherry... Các loại trái cây khác, nếu muốn đưa về nước, doanh nghiệp chỉ còn con đường tiểu ngạch - tức là xách tay.

Tại Greenspace Store, đơn vị đã thiết lập một chuỗi cung ứng gần như khép kín để đưa trái cây nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam. Theo đó, công ty đã thành lập Greenspace Store USA tại Mỹ, chịu trách nhiệm làm việc trực tiếp với các nông trại ở đây để tìm nguồn nguyên liệu và thực hiện thủ tục, đóng container chuyển về nước. Khi đến cảng Việt Nam, Công ty TNHH TM và DV Phạm Hoàng Trang cũng là đơn vị chuyên ngành trong lĩnh vực cung cấp chuỗi cung ứng logistics sẽ đảm nhận các thủ tục còn lại từ khâu thủ tục hải quan, vận chuyển cho đến khâu bảo quản kho lạnh và phân phối sỉ, lẻ đến tận tay người tiêu dùng tại Việt Nam. Bên cạnh các loại trái cây nhập khẩu chính ngạch từ Mỹ, công ty đã chủ động tìm thêm các nguồn nguyên liệu đảm bảo từ nhiều thị trường khác như Australia, Nhật, Hàn, Chile, Nam Phi...

Cửa hàng Greenspace Store trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP HCM.

Cửa hàng Greenspace Store trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Trái ngược với những thách thức mà doanh nghiệp phải trải qua khi lựa chọn con đường nhập khẩu chính ngạch, người tiêu dùng trong nước hiện chưa thực sự nhận thức đúng về nguồn gốc thực phẩm. Ông Hoàng cho biết, từ khi mở cửa hàng Greenspace Store đầu tiên (278, Lê Văn Sĩ, phường 1, quận Tân Bình, TP HCM), công ty đã trưng bày đầy đủ chứng thư, giấy kiểm dịch thực vật cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, rất ít khách hàng quan tâm và tìm hiểu rõ ràng các loại giấy tờ này.

Tương tự, trên thị trường chung hiện tại, nhiều người tin tưởng một nguồn cung cấp thực phẩm chỉ vì nghe người quen giới thiệu hoặc vì quảng cáo hàng xách tay từ nước ngoài về.

"Người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến các giấy tờ chứng nhận nguồn gốc trái cây. Tôi nghĩ điều này bắt nguồn từ thói quen, khi một thời gian dài họ mua hàng dựa trên các thông tin truyền miệng", ông Hoàng nhận xét.

Theo bác sĩ Tô Thắng Trung, công tác ở bệnh viện Kiên Giang, việc người tiêu dùng chưa quan tâm đúng mức đến giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay an toàn của thực phẩm còn xuất phát từ sự giáo dục. Trong thời gian dài, đa phần người dân không được hướng dẫn một thực phẩm đảm bảo an toàn cần những giấy tờ gì chứng minh.

Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khi dùng phải các loại thực phẩm, trái cây không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn. Theo bác sĩ Trung, dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi dùng thực phẩm không đảm bảo là rối loạn tiêu hoá. Đáng nghi ngại hơn, các độc tố như dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay hoá chất bảo quản có thể tích tụ lâu ngày trong cơ thể và gây ra các căn bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch...

"Một số thứ trái cây để ở môi trường bên ngoài bình thường mà chúng ta không thấy bất cứ một con sâu hay côn trùng nào đến tấn công. Tức là chúng còn sợ chết mà con người chúng ta lại ăn những trái cây đó", bác sĩ Trung phân tích.

Bác sĩ Tô Thắng Trung chia sẻ tại hội thảo.

Bác sĩ Tô Thắng Trung chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hữu Khoa

Theo Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội", các cửa hàng kinh doanh trái cây phải đảm bảo 4 nhóm điều kiện: điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; điều kiện nhân lực; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; điều kiện nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hoá trái cây.

Đối với trái cây nhập khẩu, người bán phải có giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm, khuyến khích ghi nhãn hàng hoá để bảo đảm bảo việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Với trái cây biến đổi gen hoặc qua chiếu xạ phải có cụm từ biến đổi gen hoặc thực phẩm đã qua chiếu xạ.

Đề án cũng quy định rõ cửa hàng mua trái cây nhập khẩu phải mở sổ theo dõi thông tin về đơn vị nhập khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm trái cây nhập khẩu. Trường hợp trái cây đã qua sơ chế, đóng gói phải đảm bảo rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đóng gói, có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của trái cây (hoá đơn tài chính của doanh nghiệp bán, bản photo tờ khai nhập khẩu của lô hàng). Mỗi lô trái cây mua vào phải nhập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ, mã vạch của cơ sở cung cấp.

Trường hợp người bán trực tiếp không đáp ứng được các quy định trên thì người mua có quyền yêu cầu người bán hàng xuất trình chứng minh thư nhân dân, giấy biên nhận giữa người mua và bán, trong đó có đầy đủ thông tin họ tên, số chứng minh thư nhân dân.

Xem một số loại trái cây nhập khẩu chính ngạch tại Greenspace Store

Ánh Thuý

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat