Breaking News

Nguy cơ OPEC tan rã từ sự rút chân của Qatar

Hôm qua, Qatar thông báo sẽ rời khỏi OPEC từ đầu năm sau để tập trung sản xuất khí đốt. Trên Market Watch, Naeem Aslam - nhà phân tích thị trường tại ThinkMarkets UK cho rằng việc Qatar rời OPEC "tương đương với gây ra vết nứt ở xương sống" và "tổ chức này có thể khó tồn tại lâu". "Thông điệp mà họ đã gửi đến các thành viên khác là Qatar sẽ tốt hơn nếu không có OPEC. Họ đã đưa ra kế hoạch và nhiều nước khác có thể làm theo", ông cho biết.

Giá dầu thô thế giới đã giảm gần 30% so với đỉnh 4 năm hồi tháng 10, làm lung lay niềm tin vào khả năng bình ổn thị trường của OPEC. Thông báo trên cũng được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc họp rất được trông đợi của OPEC và các đồng minh tuần này.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar - Saad Sherida al-Kaabi trong buổi thông báo hôm qua. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Năng lượng Qatar - Saad Sherida al-Kaabi trong buổi thông báo hôm 3/12. Ảnh: AFP

OPEC được dự báo cắt giảm sản lượng, nhằm ngăn dư cung tái xuất hiện trên toàn cầu. Rủi ro này nảy sinh từ tháng 6, sau khi OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, tuyên bố tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt do lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran. Còn từ trước đó, các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới đã cắt giảm sản lượng suốt hơn một năm để cứu giá dầu.

Quyết định của Qatar sẽ không tác động nhiều lên sản lượng dầu thô, do họ thuộc nhóm sản xuất ít nhất trong OPEC. Năm nay, sản lượng của Qatar ước tính chỉ đạt trung bình 600.000-650.000 thùng dầu mỗi ngày, chưa đầy 2% cả khối, theo Lynn Morris-Akinyemi - nhà phân tích tại Wood Mackenzie.

Bộ trưởng Năng lượng Qatar - Saad Sherida al-Kaabi khẳng định động thái này chỉ phản ánh họ chuyển hướng sang sản xuất khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, giới phân tích không thể không nghi ngờ nó liên quan đến mối bất hòa của Qatar với Saudi Arabia - quốc gia sản xuất lớn nhất trong OPEC. Từ giữa năm ngoái, Saudi Arabia, cùng UAE, Bahrain và Ai Cập đã áp dụng các biện pháp cô lập Qatar, với cáo buộc nước này hỗ trợ các tổ chức khủng bố.

Bên cạnh đó, kể từ khi OPEC thành lập năm 1960 bởi Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela, lợi ích quốc gia của các nước thành viên lớn đều đã thay đổi. "Trước đây, tất cả thành viên OPEC đều công nhận lợi ích cá nhân của họ gần như khớp với lợi ích của cả tổ chức. Việc duy trì khả năng kiểm soát thị trường dầu mỏ đảm bảo nguồn thu ổn định cho các nước thành viên", Jeff Yastine - nhà phân tích cấp cao tại Banyan Hill cho biết, "Nhưng hiện tại, tôi cho rằng người ta ngày càng tin những gì có lợi nhất cho Saudi Arabia chưa chắc đã phù hợp với lợi ích của các nước OPEC khác".

Qatar gia nhập OPEC năm 1962. Họ cũng không phải nước đầu tiên rời đi. Năm 1962, Indonesia gia nhập, nhưng đã 2 lần tạm ngưng quyền thành viên, gần nhất là cuối năm 2016, theo website của OPEC. Gabon và Ecuador cũng dừng quyền thành viên hồi thập niên 90, rồi quay lại vài năm sau đó.

Hôm qua, OPEC cho biết đã nhận được thông báo của Qatar về ý định rời đi. Họ khẳng định "mọi nước thành viên đều có quyền rút chân", OPEC tôn trọng quyết định này và Qatar không cần sự chấp thuận của tổ chức.

Yastine tin rằng "OPEC có khả năng tan rã", đặc biệt khi Thái tử Saudi Arabia - Mohammed bin Salman muốn giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Thế giới "đang tìm đến nhiều nguồn năng lượng thay thế và OPEC không có nhiều lý do để tồn tại nữa".

Đầu tháng trước, Wall Street Journal trích lời một nguồn tin thân cận cho biết một tổ chức do chính phủ Saudi Arabia tài trợ đang nghiên cứu các ảnh hưởng lên thị trường dầu nếu OPEC tan rã. Tuy nhiên, việc này cũng không phản ánh Saudi Arabia có đang cân nhắc rời OPEC trong ngắn hạn hay không.

"Rất nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người còn nhớ cú sốc giá dầu thập niên 70, sẽ hoan nghênh OPEC tan rã. Nhưng thế giới sẽ chẳng tốt lên hay tệ đi vì OPEC đâu. Giờ họ có nhiều lựa chọn năng lượng hơn rồi. Và kinh tế toàn cầu sẽ phải thích ứng với một môi trường mới, hỗn loạn và khó đoán hơn", Yastine cho biết. Trong một tương lai ít có sự hiện diện của OPEC, giá dầu có thể sẽ ngày càng biến động nhiều, như diễn biến vài tháng qua.

Hà Thu (theo Market Watch)

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat