'Không nên cào bằng mức phạt vi phạm mua bán ngoại tệ'
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, cá nhân mua bán ngoại tệ với nhau, mua bán ngoại tệ giữa cá nhân với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt 10-20 triệu đồng và tịch thu tang vật (ngoại tệ và tiền đồng).
Đánh giá về nội dung sửa đổi này, chuyên gia tài chính - TS Bùi Quang Tín cho rằng, việc sửa đổi trong dự thảo có đưa ra hướng mở là xem xét lại hành vi của người vi phạm để làm căn cứ xử phạt.
Theo đó, nếu hành vi mua bán này không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến ai thì có thể áp dụng hình thức cảnh cáo. Ngoài ra, dự thảo cho phép đánh giá các hành vi vi phạm khác nhau để đưa ra hình thức xử phạt hành chính. Điều này phù hợp theo lộ trình và thông lệ quốc tế.
Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại ở TP HCM. Ảnh: Anh Tú. |
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải phóng cho rằng hình thức phạt tiền 10-20 triệu đồng vẫn còn "cào bằng". Ngân hàng Nhà nước nên phân nhóm đối tượng, tùy thuộc vào quy mô, mức độ, thái độ, bối cảnh thị trường... để đưa ra quy định mức phạt phù hợp nhất.
Theo ông Hưng, với giá trị giao dịch ít thì phạt ít, giao dịch nhiều thì phạt nhiều để đủ tính răn đe. Ngoài ra, cần bổ sung các tình tiết tăng nặng như có tính chuyên nghiệp thì xử lý nặng hơn, tránh sự biến tướng, làm rối loạn thị trường ngoại hối và chủ trương chống USD hóa. "Không thể để tình trạng cá nhân mua bán một USD phạt cũng như 100.000 USD. Như vậy là không hợp lý", Luật sư Hưng nói.
Liên quan đến băn khoăn trên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã từng cân nhắc rất kỹ về việc đưa ra mức xử phạt theo tỷ lệ % trên số tiền giao dịch. Thế nhưng, phương án này không phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức phạt hành chính nhằm răn đe người giao dịch USD đồng thời bổ sung xử phạt bằng tịch thu tài sản, nhắm tới đối tượng kinh doanh, đầu cơ USD.
"Thông qua kết quả kiểm tra giao dịch ngoại tệ trái phép, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định được mục đích, đối tượng, mức độ mua bán USD để quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền hay tịch thu ngoại tệ lẫn VND", ông nói.
Theo quy định, tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện giao dịch thu đổi ngoại tệ tại những nơi được cấp phép. Nhưng các chuyên gia cho rằng, hiện những điểm thu đổi này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân. Do vậy, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng kiến nghị bên cạnh việc sửa đổi mức phạt, cơ quan quản lý cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện thu đổi ngoại tệ theo hướng đơn giản hơn để phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ của người dân.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Bùi Quang Tín đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng cấp phép các điểm thu đổi ngoại tệ, tiệm vàng được phép thu đổi ngoại tệ... nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân nắm và hiểu rõ về quy định của pháp luật.
Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM - ông Nguyễn Hoàng Minh, ngoài hệ thống các ngân hàng thương mại, TP HCM có gần 100 đại lý thu đổi ngoại tệ được cấp phép. Các điểm này chủ yếu là cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn từ 3 sao trở lên), sân bay, siêu thị, trung tâm thương mại... Một số tiệm vàng cũng được cấp phép thu đổi ngoại tệ nhưng rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Các điểm thu đổi ngoại tệ này cũng chỉ được mua USD của người dân chứ không được bán ra mà buộc phải bán lại cho ngân hàng.
Lệ Chi
No comments