Breaking News

Khách hàng an tâm hơn khi nhà băng Việt 'tốt nghiệp' chuẩn Basel II

Sau ba năm triển khai thí điểm áp dụng bộ khung quản trị rủi ro tín dụng Basel II, đã có hai ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công tiêu chuẩn này. Theo đó, VIB - ngân hàng tư nhân đầu tiên và Vietcombank - đại diện đến từ khối ngân hàng quốc doanh được xem như đã "tốt nghiệp" những yêu cầu này để chính thức áp dụng các chuẩn mực mới từ 2019, sớm một năm so với lộ trình.

polyad

VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được triển khai hiệp ước Basel II.

Các chuyên gia nhận định việc có hai ngân hàng đủ điều kiện áp dụng Basel II đánh dấu bước tiến lớn nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định và áp dụng các thông lệ nghiêm ngặt hơn về quản trị rủi ro toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cấp cao HĐQT một ngân hàng cho biết, bộ khung Basel II đưa ra tiêu chí khắt khe về quản trị rủi ro, nhằm tăng độ an toàn vốn của các ngân hàng.

Một trong những lưu ý quan trọng nhất trong tiêu chuẩn mới là việc siết chặt tỷ lệ an toàn vốn trên rủi ro tín dụng. Để đáp ứng tiêu chuẩn này, các ngân hàng phải chủ động tăng vốn tự có.

Chuyên gia tài chính ước tính, nếu tất cả các ngân hàng tại Việt Nam áp dụng Basel II cùng với thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn, CAR của các ngân hàng sẽ giảm đáng kể so với mức trung bình toàn hệ thống hiện tại là 12,14%. Cụ thể theo báo cáo của công ty chứng khoán MB (MBS) đánh giá, nếu áp dụng theo cách tính của Basel II, CAR có thể giảm 1-3%.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cả ngân hàng và khách hàng, kể cả khách gửi tiền hoặc đi vay.

Trước hết, từ góc độ khách hàng gửi tiền, tiêu chuẩn Basel II giải quyết vấn đề căn cơ nhất của khách hàng là lòng tin đối với ngân hàng. Khi gửi tài sản vào các tổ chức tín dụng, người gửi tiền cần nhất là sự an toàn đối với tài sản của họ.

"Việc có hai ngân hàng tuân thủ Basel II là một tin vui đối với người gửi tiền bởi họ có thể chắc chắn rằng đây là ngân hàng có mức độ tín nhiệm cao, mức độ an toàn vốn tốt, đã được một tiêu chuẩn quốc tế công nhận", ông Hiếu nhận định.

Về phía người đi vay, khi áp dụng Basel II, ngân hàng sẽ phải thắt chặt điều kiện vay,và điều đó đồng nghĩa với việc chính sách cho vay sẽ phù hợp hơn với khả năng tài chính của khách hàng, không để khách hàng rơi vào tình trạng vay quá tay dẫn đến mất khả năng chi trả.

Từ góc độ ngân hàng, Basel II giúp các nhà băng có lợi thế cạnh tranh lớn hơn trên thị trường, đặc biệt là với các tổ chức quốc tế, nhằm tăng thu hút đầu tư, phát triển mạng lưới khách hàng.

Chuyên gia cũng nhận định, việc triển khai áp dụng các chuẩn mực quốc tế có độ phức tạp cao như Basel II trong một nền kinh tế cận biên như Việt Nam đòi hỏi sự quyết tâm cao lẫn phương pháp đúng đắn từ cơ quan quản lý và nội lực của các ngân hàng.

Tại VIB - ngân hàng tư nhân đầu tiên triển khai thành công Basel IIcho biết đã đầu tư nhân lực và tài lực nhằm áp dụng nội bộ một số chuẩn mực từ năm 2010 khi chưa có sự hỗ trợ về hành lang pháp lý.

"Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển chỉ tiêu tài chính theo chiến lược phát triển bền vững, VIB luôn chú trọng , đầu tư vào hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến", ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc VIB cho biết.

polyad

Ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc VIB.

Nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo cách tính mới, ngân hàng đã có các phương án tăng vốn cấp I từ phát hành mới hoặc bán cổ phiếu quỹ đang nắm giữ, tăng vốn cấp II cả từ nguồn trong nước và ngoài nước, phân bổ nguồn lợi nhuận kinh doanh giữa chia cổ tức tiền mặt với giữ lại để tăng vốn.

Ngân hàng vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ thêm xấp xỉ 40% lên mức 7.835 tỷ đồng và đang làm thủ tục bổ sung tiếp 1.100 tỷ từ nguồn lợi nhuận 2018.

Về đội ngũ triển khai, VIB có các chuyên gia từ đối tác Commonwealth Bank of Australia (CBA) hỗ trợ hoạch định lộ trình thực hiện, cùng đội ngũ trực tiếp triển khai là cán bộ chủ chốt. Từ đó việc xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống chính sách và kế hoạch tài chính được thực hiện nhanh, suôn sẻ.

Đối với hạ tầng công nghệ thông tin, VIB được xem là một trong những ngân hàng đẩy mạnh nhất hoạt động ngân hàng số. Đồng thời, nhà băng triển khai hệ thống ra quyết định kinh doanh dựa vào phân tích cơ sở dữ liệu tự động, tạo nền tảng tốt để tự động tính toán, quản trị vốn, trích xuất thông tin...

Ngoài ra, ngân hàng cũng tổ chức tập huấn đào tạo về Basel II, đảm bảo bộ máy vận hành đúng quy định và hiệu quả. Quá trình giám sát hoạt động cũng ngày càng cải tiến theo hướng thắt chặt hơn, tăng cường kiểm soát nội bộ, cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin phục vụ công tác thanh kiểm tra của cơ quan chức năng.

Đối với các ngân hàng đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn áp dụng Basel II, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng năm 2019 là giai đoạn quan trọng, chạy nước rút để thực hiện các kế hoạch tăng vốn, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 tất cả 10 ngân hàng thí điểm đều "tốt nghiệp".

Basel II là tiêu chuẩn quản trị rủi ro tín dụng cải tiến do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking supervision) khởi xướng. Uỷ ban do khối các nước G10 thành lập năm 1974 nhằm đưa ra những quy chuẩn quản lý ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng. Trụ sở uỷ ban hiện đặt tại Thuỵ Sỹ.

Basel II bao gồm ba trụ cột chính. Một là các yêu cầu có tính định lượng cao về vốn tối thiểu với một ngân hàng để đáp ứng rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Hai là các ngân hàng phải có bộ máy kiểm soát để bảo đảm sự tuân thủ đó cả ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước lẫn tại tổ chức tín dụng. Ba là các nhà băng phải đảm bảo kỷ luật thị trường về công bố thông tin.

Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một, thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn hai, cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn chuẩn mực này.

Ban đầu thời hạn cho giai đoạn thí điểm được ấn định từ tháng 2/2016 đến cuối năm 2018 và giai đoạn hai 2 tính đến năm 2020. Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi về năm 2020. Sau Vietcombank và VIB, một số nhà băng khác cũng cho biết đã nộp hồ sơ và đang trong quá trình chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý.

Khánh Anh

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat