Dệt may Việt Nam tăng xuất khẩu sang Trung Quốc
Chia sẻ tại họp báo ngày 27/12, ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, một trong những điểm sáng góp phần vào tăng trưởng của dệt may Việt Nam năm qua, là các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng tốc tiến sang thị trường Trung Quốc - đối thủ chính trong lĩnh vực này. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng 24% năm nay, từ 3,2 tỷ USD năm 2017 lên 4,1 tỷ USD.
Sợi là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc, khoảng 48%. "Tiến quân" sang Trung Quốc, theo lãnh đạo Vinatex, doanh nghiệp Việt đối diện với cuộc cạnh tranh kép, về giá, mẫu mã và chất lượng sản phẩm. "Doanh nghiệp Việt không những phải cạnh tranh với bản thân công ty nội địa Trung Quốc, mà còn với các nhà cung cấp khác ở thị trường này", ông nói thêm.
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất sợi. |
Còn theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, con số gần 18 tỷ USD giá trị tăng thêm ngành dệt may năm nay là mốc quan trọng trong nhiều năm phát triển. "Dệt may tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao những năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch đề ra", ông Giang nói.
Trong số 36 tỷ USD giá trị xuất khẩu, hàng may mặc góp gần 29 tỷ USD, vải đạt gần 1,7 tỷ USD, xơ sợi góp gần 4 tỷ USD...
Trong khi một số nước tăng trưởng âm như Ấn Độ, Bangladesh, thì dệt may Việt Nam lại có một năm tăng trưởng 2 con số, đạt hơn 16%. Ông Hiếu giải thích, các đối thủ như Ấn Độ, Bangladesh... giá gia công rẻ hơn nhiều nhưng Việt Nam vẫn là lựa chọn ưu tiên nhờ kinh nghiệm gia công đơn hàng khó, chất lượng tốt và giao hàng đúng hạn. Kinh tế vĩ mô ổn định, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại đã ký với các nước... cũng là yếu tố trợ lực cho dệt may tăng tốc. "Chúng tôi phấn đấu nằm trong top 5 lựa chọn ưu tiên của các nhà cung cấp khi có đơn hàng", ông Hiếu tự tin.
Với Vinatex, tập đoàn này ghi nhận doanh thu xuất khẩu năm 2018 tăng 11%, riêng công ty mẹ tăng hơn 35%. Ông Hiếu lý giải, do loạt dự án tập đoàn đầu tư cách đây vài năm đã bắt đầu có lãi như sợi Phú Hương (Huế), sợi Nam Định, sợi Phú Cường (Đồng Nai)..., đẩy lợi nhuận công ty mẹ lên cao. Và nếu không có cuộc chiến thương mại, theo ông Hiếu, các dự án sợi "thắng lợi mỹ mãn", bởi đa phần các nhà máy này đã hoàn thành chỉ tiêu cả năm ngay 9 tháng đầu năm.
"Ba tháng cuối thị trường sợi ảm đạm, các nhà máy sợi vẫn có lãi nhưng không như kỳ vọng ban đầu và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, ngoài dự kiến. Giai đoạn này các doanh nghiệp sợi vẫn phải cầm cự, chờ đợi cơ hội năm sau", Giám đốc điều hành Vinatex chia sẻ.
Nhờ kết quả này, tín hiệu đơn hàng năm 2019 khá khả quan. Nhiều doanh nghiệp trong chuỗi đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm, cá biệt có nơi đơn hàng đã đầy cả năm.
Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng trưởng gần 11%, thặng dư thương mại 20 tỷ USD... Để đạt được mục tiêu này, Hiệp hội Dệt may khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tăng tốc phát triển thị trường, áp dụng công nghệ trong sản xuất và nâng cao hơn nữa chất lượng lao động.
Tỏ ra khá thận trọng, lãnh đạo Vinatex nhận xét, 2019 vẫn là năm khó lường khi xung đột Mỹ - Trung chưa có hồi kết. "Nếu Mỹ quyết định áp thêm thuế 15% thì tình hình sẽ rất khó khăn. Vì thế, tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng 8-10% dựa vào thực tế thị trường", ông Hiếu chia sẻ.
Giám đốc điều hành Vinatex nói thêm, tập đoàn đã đưa ra kịch bản dự báo tăng trưởng năm sau trong đó có tính tới phương án ứng phó nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Cùng đó, Vinatex sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu, thay thế máy móc thiết bị bằng máy móc tiên tiến và giảm nhân sự ở các khâu không cần thiết để tăng năng suất.
Năm 2018 mỗi lao động tại tập đoàn này lĩnh 7,5 triệu người một tháng và dự kiến lên 8 triệu đồng vào năm sau. Mức thưởng Tết 2019 bình quân tại tập đoàn này khoảng 2-3 tháng lương, tương đương hơn 20 triệu đồng một người.
Anh Minh
No comments