Breaking News

Cuộc chuyển mình lên ngân hàng số ở Việt Nam

"Làm ngân hàng bây giờ không phải anh ra một dịch vụ rồi bảo khách 'hãy dùng đi' là 5-7 tháng sau họ có thích hay không cũng phải dùng", giám đốc phụ trách mảng ngân hàng bán lẻ tại một nhà băng nói. Theo ông, thời đại ngày nay cần nghiên cứu trải nghiệm người dùng để tung ra các sản phẩm mang tính "bám đuổi" nhu cầu.

Trên thế giới, phương thức phát triển ngân hàng số điển hình bao gồm các hạng mục như: phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực tài chính, kết hợp với các công ty công nghệ lớn (BigTech và Fintech) trong cung ứng dịch vụ ngân hàng, chuyển đổi ngân hàng lõi (Corebanking) và ứng dụng công nghệ số hóa tài sản (Digital Assets), công nghệ Blockchain.

Chiếu những phương thức này vào thị trường Việt Nam, các ngân hàng đang "số hóa" nhiều nhất ở khâu triển khai dịch vụ số như làm Internet Banking, Mobile Banking, liên kết hoặc đầu tư vào các ví điện tử, phát hành ứng dụng... Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện 78 ngân hàng có dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng có dịch vụ thanh toán qua di động.

Trong cuộc chuyển mình này, hầu như ngân hàng lớn nhỏ và bất kể quốc tịch đều năng nổ tham gia. Hàng chục ngân hàng nội địa như Vietcombank, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB, OCB, NCB.. đều đã cho phép đăng ký mở tài khoản trực tuyến. 

Một vài ngân hàng tung thêm các trải nghiệm để tạo khác biệt như BIDV với SmartBanking hay TPBank với LiveBank. Trong khi đó, MBBank  tiếp cận khách hàng cá nhân bằng một Fanpage chính thức trên Facebook và ứng dụng riêng. VPBank thì đẩy mạnh số hóa từ trong ra ngoài với việc thành lập Trung tâm Số hóa Ngân hàng (Digital Lab).

Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Hồi giữa năm, UOB tung ra ứng dụng UOB Mighty giúp người dùng mở tài khoản với tuyên bố tiết kiệm đến 80% thời gian để mở tài khoản so với cách thông thường.

Gần đây, CIMB cũng "trình làng" ứng dụng OCTO với các tính năng như chuyển tiền, gửi tiết kiệm, quản lý thẻ, thanh toán hóa đơn... Ông Tengku Dato- Sri Zafrul Aziz - CEO Tập đoàn CIMB nói rằng phát triển ngân hàng kỹ thuật số là chiến lược trọng điểm tại Đông Nam Á và Việt Nam là thị trường thử nghiệm đầu tiên.

"Năm 2019, chúng tôi dự kiến phát triển dịch vụ cho vay trực tuyến thông qua ứng dụng. Khách hàng có thể nộp hồ sơ và nhận được chấp thuận cho vay, giải ngân trong thời gian ngắn mà không cần đến ngân hàng", ông Thomson Fam Siew Kat - Giám đốc điều hành Ngân hàng CIMB Việt Nam tiết lộ và nói rằng đang hợp tác với một Fintech để phát triển các dịch vụ mới cũng như hướng đến phát triển, kết nối với các hệ sinh thái khác.

Các dịch vụ ngân hàng số không chỉ hấp dẫn với khách hàng cá nhân mà cả với khách hàng doanh nghiệp. Ảnh minh họa: MP

Các dịch vụ ngân hàng số không chỉ hấp dẫn với khách hàng cá nhân mà cả với khách hàng doanh nghiệp. 

Theo tính toán của CIMB, ngân hàng kỹ thuật số đang là xu thế tất yếu và sẽ giúp các ngân hàng giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) từ 50% xuống còn 20-30%. Nghiên cứu gần đây thực hiện bởi UOB, EY và Dun & Bradstreet nhận định, không chỉ khách hàng cá nhân mà các khách hàng doanh nghiệp cũng cảm thấy thân thiện hơn với những nhà băng có khả năng số hóa tốt.

Cụ thể, gần 4 trên 5 SME (78%) ưu tiên lựa chọn phương thức trực tuyến để sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ tài chính như đăng ký vay vốn.

"Doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều nguồn lực nên họ có nhu cầu thực hiện giao dịch ngân hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện" ông Harry Loh nói việc số hóa những giải pháp như đăng ký mở tài khoản, ngân hàng có thể tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục để tập trung vào những hoạt động giúp tạo ra doanh thu.

Tuy nhiên, làm "ngân hàng số" cũng có những rủi ro. MasterCard Foundation và IFC chỉ ra 6 loại rủi ro chính khi triển khai dịch vụ ngân hàng số bao gồm: rủi ro chiến lược, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, rủi ro công nghệ, rủi ro tài chính và rủi ro gian lận.

Với các ông chủ nhà băng, rủi ro về công nghệ, an toàn thông tin và gian lận có lẽ là đáng ngại nhất."Mặc dù đã đạt được một số thành công bước đầu khi triển khai ngân hàng số ở Việt Nam, thực tiễn còn nhiều thách thức, trong đó có các rủi ro đến từ an ninh mạng", ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch LienVietPostBank từng nhận định.

Theo ông Thắng, bức tranh toàn cảnh an ninh mạng năm 2018 còn nhiều điểm nóng. Tấn công trên IoT tăng. Các công nghệ mới nhất như sinh trắc học liên tục bị qua mặt. Tin tức giả mạo và mã độc tiền ảo thì bùng nổ.

"Một trong những thách thức lớn và khiến chúng tôi phải quan tâm hàng đầu, hàng ngày chính là bảo mật dữ liệu người dùng. Đó là việc cần phải đầu tư lớn", ông Thomson Fam Siew Kat thừa nhận và nói rằng trong quan điểm của ông "dữ liệu chính là loại dầu mỏ mới" và xu thế toàn cầu chính là "ngân hàng chuyển mình thành công ty công nghệ".

Viễn Thông

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat