Breaking News

Bốn bước vượt qua nỗi sợ thất bại trong công việc

Alex đến gặp Susan Peppercorn, chuyên gia nghề nghiệp và là tác giả của quyển  'Ditch Your Inner Critic at Work: Evidence-Based Strategies to Thrive in Your Career' để nhờ giúp chuẩn bị tinh thần cho buổi phỏng vấn vào vị trí CEO một công ty khởi nghiệp. Đây là lần đầu anh phỏng vấn cho vị trí cấp cao nên rất lo lắng. Khi bà Susan hỏi, Alex nói cảm thấy như tê liệt vì sợ phỏng vấn thất bại.

Bà Susan phát hiện ra Alex rất quan tâm đến biểu hiện của bản thân, khởi nguồn từ một lần thất bại trong công việc. Khi nghe Alex kể lại, bà nhận ra thất bại đó do các yếu tố khách quan, chứ không phải bản thân anh ta. Song Alex vẫn bị ám ảnh về việc không thành công.

Sợ hãi là cần thiết nhưng cần kiểm soát nó để đạt được thành công. Ảnh: Bim Doodle

Sợ hãi là cần thiết nhưng cần kiểm soát nó để đạt được thành công. Ảnh: Bim Doodle

Theo chuyên gia này, mọi người có khuynh hướng nhanh chóng tự trách bản thân vì thất bại. Bạn có thể làm gì nếu như Alex, muốn đối mặt với nỗi sợ và vượt qua nó để thành công? Dưới đây là 4 bước có thể thực hiện.

Nhận định lại thất bại

Nỗi sợ thất bại bắt nguồn từ sự lo lắng về việc làm sai điều gì đó, về bộ dạng trông thật ngu ngốc hay công việc không như kỳ vọng. Do vậy, bằng cách nhận định tình huống gây sự sợ hãi, bạn có thể tránh được căng thẳng, lo lắng.

Khi nghĩ về cuộc phỏng vấn, ám ảnh đầu tiên của Alex về thất bại là "không được tuyển vào vị trí này". Ngay cả khi phỏng vấn diễn ra hoàn hảo, thì vẫn có yếu tố khách quan tạo ra nguy cơ, như quyết định từ hội đồng quản trị.

Do vậy, bà Susan khuyến khích Alex nhận định lại cách bản thân thể hiện ở buổi phỏng vấn. Chẳng hạn, anh có thể xác định xem thất bại ở chỗ nào, vì không thể trả lời câu hỏi đặt ra hay nhận phản hồi tiêu cực. Hoặc xem xét bản thân thành công ở đâu, vì có thể trả lời câu hỏi rất tốt và không nhận được phê bình nào.

Thật ra, Alex thuận lợi tiến vào vòng hai và được khen ngợi về sự chuẩn bị. Cuối cùng, anh ấy vẫn không được tuyển. Nhưng do đã thay đổi suy nghĩ, nhận định lại những gì tạo nên thất bại và thành công, anh tiếp nhận kết quả một cách nhẹ nhàng và ít giận dữ hơn.

Đặt mục tiêu tiếp cận 

Mục tiêu bao gồm hai loại, mục tiêu tiếp cận và mục tiêu né tránh, dựa trên việc bạn tạo ra nó với kỳ vọng đạt được kết quả tích cực hay nhằm tránh né bất lợi. Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng, việc tạo ra các mục tiêu tiếp cận sẽ hữu ích cho sức khỏe tâm lý.

Mặc dù lo lắng, Alex vẫn đặt mục tiêu tiếp cận là trở thành CEO vì đó là những gì anh ấy muốn đạt được trong sự nghiệp. Nên dù không đạt được nhưng anh cũng không để sự thật đó cản trở bản thân cố gắng hơn lần sau đạt được nó.

Thay vào đó, nếu Alex chán nản về kết quả phỏng vấn và quyết định chủ động tránh nỗi đau bằng cách không bao giờ ganh đua cho vị trí này thì anh ta đã chuyển từ tiếp cận sang chế độ né tránh.

Hình thành mục tiêu né tránh là phản ứng phổ biến khi gặp thất bại. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng, những nhân viên chỉ tập trung vào mục tiêu né tránh sẽ  mệt mỏi gấp đôi so với các đồng nghiệp luôn tập trung vào mục tiêu tiếp cận.

Lập danh sách nỗi sợ

Nhà đầu tư Tim Ferriss khuyên chúng ta kiểm soát nỗi sợ và lập danh sách những gì sợ phải làm, những gì sợ sẽ xảy ra nếu bạn làm điều đó. Trong chương trình TED Talk, ông nói rằng đó là cách ông giải quyết các thử thách khó khăn và đạt được thành công lớn trong đời.

Alex cũng liệt kê ba danh sách. Thứ nhất, những tình huống xấu nhất nếu phỏng vấn thất bại. Thứ hai, những điều có thể làm để ngăn chặn thất bại. Và thứ ba, nếu thất bại, anh ấy có thể làm gì để thay đổi. Tiếp theo, Alex viết ra những lợi ích của nỗ lực hết mình và những tổn thất do kém tích cực. Bài tập này giúp anh  nhận ra mặc dù bản thân có nhiều lo lắng nhưng việc từ bỏ cơ hội sẽ có hại nhiều hơn cho sự nghiệp về sau.

Tập trung vào học hỏi

Không phải lúc nào cũng có thành công như bạn mong muốn. Nhưng nếu hiểu rõ thực tế, bạn có thể sẵn sàng nỗ lực hết sức, bất kể kết quả ra sao.

Trở lại trường hợp của Alex, khi không nghĩ nhiều về nguy cơ thất bại mà tập trung vào việc sẽ học được những gì, anh ngừng lo lắng và coi đó là bước đệm trong hành trình đến vị trí CEO. Với suy nghĩ đó, anh nhanh chóng thoát khỏi  thất vọng khi không được tuyển dụng và lên kế hoạch cho cơ hội tiếp theo cho vị trí tương tự ở công ty khác.

Cần nhớ rằng, nếu luôn cảm thấy thoải mái thì bạn nên lo lắng. Bởi vì đó là dấu hiệu cho thấy bạn không bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân đủ xa để thực hiện các bước nhằm vươn lên và phát triển. Bằng cách chấp nhận dấn thân vào nơi có nỗi sợ và điều khiển nó bằng 4 bước trên, bạn có thể biến nỗi sợ thành một người thầy hướng dẫn bạn đạt được các mục tiêu sự nghiệp.

Phiên An (theo Harvard Business Review)

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat