Bình quân người Sài Gòn dành 270.000 đồng ăn vặt mỗi tháng
Theo báo cáo nghiên cứu hành vi mua hàng cho tiêu dùng bên ngoài (out-of-home) vừa được Kantar Worldpanel công bố, bình quân hàng tháng mỗi người dân sống tại TP HCM dành khoảng 267.000 đồng để mua thực phẩm và đồ uống tiện lợi. Tần suất thực hiện các giao dịch này khoảng 8-9 lần, cao hơn nhiều so với hành vi mua hàng cho tiêu dùng trong gia đình, nhưng mức chi tiêu chỉ bằng phân nửa.
Các nhóm sản phẩm thường được người tiêu dùng lựa chọn là thức uống không còn, nước dinh dưỡng, bánh kẹo và thức ăn nhẹ như mì ăn liền, xúc xích, bánh mì...
Trà và cà phê là lựa chọn hàng đầu của người TP HCM khi chi tiêu bên ngoài. Ảnh: LZ. |
Nghiên cứu này cũng chỉ ra, sự lựa chọn sản phẩm và hình thức chi tiêu bên ngoài có sự phân hóa rõ theo giới tính. Phụ nữ mà đặc biệt là đối tượng sinh viên thường dành "hầu bao" cho trà sữa, trong khi ưu tiên của nam giới và nhóm thượng lưu lại là cà phê.
Cửa hàng cà phê và trà cũng là điểm dừng chân ưa thích khi có đến 45% người dân TP HCM lựa chọn khi ăn uống bên ngoài, trong đó phần lớn thuộc nhóm tuổi 30-39. Các điểm đến còn lại thường là cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại và kênh truyền thống như chợ, hàng quán... Giao hàng cũng đang dần trở thành hình thức mua sắm được quan tâm, đặc biệt đối với nhóm người tiêu dùng trẻ và tương tác thường xuyên trên điện thoại.
Trước đó, Hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab công bố báo cáo xu hướng chi tiêu của nhóm đối tượng sinh năm 1995 trở về sau (hay còn gọi là thế hệ Z). Ước tính Việt Nam có hơn 14,4 triệu người đang trong độ tuổi này và hơn 56% trong số đó không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 3 triệu đồng mỗi tháng.
Dù thu nhập khiêm tốn và phụ thuộc nhiều vào gia đình, nhưng mức chi tiêu cho ăn uống bên ngoài của thế hệ Z lên đến 892.400 đồng. Tính bình quân mỗi tháng, số tiền nhóm đối tượng này dành ra cho ăn uống gần 13.000 tỷ đồng.
Thiên Ngân
No comments