Bài toán thiếu nguyên liệu của doanh nghiệp nhựa Việt
"Đói" nguyên liệu - hạn chế của ngành nhựa Việt
Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), ngành nhựa được đánh giá là một trong những ngành tăng trưởng cao nhất Việt Nam, với mức tăng 16 - 18% giai đoạn 2010 - 2015. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhựa đạt 1,43 tỷ USD, tăng 20% với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, một thách thức lớn của ngành nhựa Việt Nam là phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu. Theo Ông Hồ Đức Lam - chủ tịch VPA, ngành nhựa cần 2 - 2,5 triệu tấn nguyên liệu nhựa các loại mỗi năm. Song khả năng cung ứng trong nước chỉ đáp ứng 800.000 tấn nguyên liệu nhựa.
Chi phí nguyên vật liệu chiếm 70 - 80% giá thành sản phẩm khiến giá bán các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm xuất khẩu tương tự. Năm 2017, ngành nhựa xuất khẩu 2,5 tỷ USD song phải chi đến 7,35 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu nhựa và hóa chất các loại.
Ngoài ra, việc nhập khẩu nguyên liệu nhựa bao hàm nhiều rủi ro bởi biến động kinh tế và tỷ giá trên thị trường thế giới. Đại diện một công ty nhựa cho rằng, các doanh nghiệp nội địa cũng chịu nhiều sức ép từ các doanh nghiệp ngoại.
"Doanh nghiệp nhựa hiện sử dụng ba công nghệ sản xuất chính là: ép đùn, ép đúc và thổi hay phun với máy móc chủ yếu được nhập khẩu. Do đó, khi có biến động tỷ giá lớn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Phúc - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Hà nói.
Theo ông Lam, một trong những mục tiêu của ngành nhựa là chủ động được phần nào nguồn nguyên liệu trong thời gian tới.
Hướng đi của doanh nghiệp Việt
Nhiều đại diện doanh nghiệp nhận định, bên cạnh những khó khăn và thách thức, cuộc cách mạng 4.0 mở ra những cơ hội thuận lợi cho ngành nhựa Việt Nam.
"Sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)... giúp nhiều doanh nghiệp gần như cải tổ toàn bộ từ phương thức hoạt động, sản xuất đến các hoạt động truyền thông, quảng cáo", đại diện công ty Phúc Hà cho hay.
Theo vị CEO, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hiện ngày càng lớn mạnh về quy mô và năng lực. "Các sản phẩm nhựa Việt có lợi thế so với nhiều nước châu Á do không bị áp thuế chống bán phá giá. Ngoài ra, một khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, các doanh nghiệp nhựa có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu".
Ông Nguyễn Văn Phúc, TGĐ Công ty Phúc Hà (đứng giữa hàng trên cùng) nhận giải thưởng Thương hiệu quốc gia. |
Để gia tăng cạnh tranh, ông Phúc cho rằng các doanh nghiệp nhựa nên chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để tiết kiệm chi phí đầu vào, gia tăng hiệu suất đầu ra. "Các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh bài bản, quản trị rủi ro tốt và tìm được giải pháp tài chính tối ưu", ông Phúc khẳng định.
Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Hà, ông Nguyễn Văn Phúc đã duy trì chủ trương đổi mới công nghệ, sáng tạo và cải tiến kỹ thuật. "Phúc Hà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ để cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng tốt với giá cạnh tranh", đại diện công ty cho hay.
Một trong những sản phẩm của Phúc Hà được thị trường đánh giá cao là ống nhựa Dekko. Đại diện nhà sản xuất cho biết, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế DIN, ISO, thân thiện với môi trường nhờ ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến của Đức và Áo.
Vừa qua, sản phẩm đã được trao giải Thương hiệu quốc gia - giải thưởng của Chính phủ dành cho những doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng tốt, đóng góp nhiều lợi ích xã hội. "Đây là động lực để Phúc Hà không ngừng phát triển và mở rộng, từ đó vươn xa thị trường quốc tế", ông Nguyễn Văn Phúc phát biểu.
Hà Trương
No comments