98% người dùng internet tại Việt Nam từng mua sắm trực truyến
Theo báo cáo Thương mại điện tử năm 2018 của công ty đo lường toàn cầu Nielsen, có đến 98% trong số người tiêu dùng truy cập vào internet đã mua hàng trực tuyến. Con số này tăng thêm một điểm phần trăm so với năm trước nhờ nhu cầu về sự tiện lợi trong hệ sinh thái mua hàng trực tuyến được đáp ứng ngày càng tốt hơn.
Thời trang, du lịch, sách và âm nhạc tiếp tục là các ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các giao dịch trực tuyến, với tỷ lệ tương ứng cho từng mục là 59%, 52% và 51%. Đây được đánh giá là danh mục điển hình đối với người mua sắm trực tuyến lần đầu.
Tuy nhiên, Giám đốc cấp cao kiêm Trưởng Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dzũng cho rằng, khi mức độ quen thuộc, thoải mái và niềm tin tăng lên thì người dùng có xu hướng mở rộng sang các mặt hàng như sản phẩm làm đẹp, chăm sóc cá nhân, thực phẩm đóng gói và hàng tươi sống. Điều này tạo nên sự tăng trưởng đột biến cho ngành hàng tiêu dùng nhanh trên kênh thương mại điện tử trong khoảng hai năm qua.
Người Việt tiếp cận thương mại điện tử ngày càng nhiều và thuận lợi. Ảnh: AFP. |
Đối với các mặt hàng còn tương đối mới mẻ, khoảng hai trong ba người tiêu dùng (63%) cho biết việc hoàn trả tiền cho sản phẩm có chất lượng không đúng cam kết đã khuyến khích việc mua sắm trực tuyến. Sự quan tâm tiếp theo của người tiêu dùng là giao hàng miễn phí, dịch vụ thay thế cùng ngày nếu sản phẩm không có sẵn...
Theo ông Dũng, ranh giới giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến đang dần được xáo hào. Sau khi mở rộng danh mục sản phẩm mới, làn sóng phát triển tiếp theo trong xu hướng mua hàng trực tuyến có thể sẽ đến từ việc cải tiến kỹ thuật như để xuất được cá nhân hoá cho người tiêu dùng dựa trên hành vi mua sắm có lập trình.
Mục tiêu được Bộ Công Thương đề ra trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 là 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị bình quân mỗi năm khoảng 350 USD một người. Doanh số thương mại điện tử B2C (business to customer, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng) dự báo tăng 20% mỗi năm, đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Phương Đông
No comments