8 biến động của kinh tế thế giới năm 2018

1. Chiến tranh thương mại lan tràn

Cuộc gặp Trump - Tập tối 1/12 bên lề hội nghị G20 tại Argentina. Ảnh: AFP

Cuộc gặp Trump - Tập tối 1/12 bên lề hội nghị G20 tại Argentina. Ảnh: AFP

Trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở thành tâm điểm xuyên suốt năm 2018. Từ khi tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết đưa đầu tư, nhà máy và việc làm sản xuất về Mỹ. Năm nay, ông hiện thực hóa cam kết này bằng cách khởi động cuộc chiến thương mại với hàng loạt quốc gia nhằm giảm lượng thâm hụt khổng lồ. Biện pháp được sử dụng triệt để là thuế nhập khẩu.

Hồi tháng 1, Trump áp thuế nhập khẩu lên pin năng lượng mặt trời và máy giặt không được sản xuất tại Mỹ. Sau đó, ông tiếp tục áp thuế này lên nhôm, thép từ hàng loạt quốc gia khác, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ, như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Các nền kinh tế này cũng trả đũa bằng chính sách tương tự.

Riêng với Trung Quốc, sau 3 lần, Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và luôn đe dọa nâng gấp đôi con số này. Trung Quốc cũng đáp trả bằng thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ. Hiện tại, hai nước đang trong thời gian đình chiến để đàm phán một thỏa thuận thương mại. Tuy vậy, hết ngày 1/3/2019 mà không có kết quả, cuộc chiến có thể sẽ tiếp tục leo thang.

Đòn đáp trả của các bên đã khiến thương mại và tăng trưởng toàn cầu chịu ảnh hưởng đáng kể sau gần một năm. Các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, còn nhà sản xuất và người tiêu dùng phải chịu giá cao.

2. Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất gần 10 năm

Khách mua tại một quầy hàng ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Khách mua tại một quầy hàng ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP

GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đà tăng trưởng được dự báo còn xuống dốc trong quý này và cả năm sau.

Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức cả trong và ngoài nước. Căng thẳng thương mại với Mỹ cùng chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế đã kéo tụt tăng trưởng nước này. Giới chức Trung Quốc đã tung một số biện pháp kích thích, từ giảm thuế, giảm dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng đến tăng chi cho các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn chưa có hiệu quả.

Nhiều số liệu gần đây cũng cho thấy nhu cầu nội địa của Trung Quốc đang yếu đi, từ hoạt động sản xuất tại các nhà máy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng đến chi tiêu tiêu dùng. Nhiều năm hạn chế vay nợ và tín dụng rủi ro cao cũng kéo chi phí đi vay của các công ty lên. Trung Quốc sẽ phải tung thêm nhiều biện pháp khác nếu muốn duy trì tăng trưởng ở mức hiện tại.

3. Chứng khoán toàn cầu nhiều lần chao đảo

Diễn biến của chỉ số S&P 500 trong một năm qua.

Diễn biến của chỉ số S&P 500 trong một năm qua.

2018 là một năm nhiều sự kiện và cảm xúc với giới đầu tư toàn cầu. Tại Mỹ, Wall Street 2 lần lập kỷ lục, vào tháng 1 và tháng 9, nhưng sau đó đều rơi vào vùng điều chỉnh (giảm 10% từ đỉnh). Đây cũng là năm S&P 500 có số phiên biến động từ 2% trở lên nhiều nhất kể từ năm 2011.

Sau khi lên cao nhất mọi thời đại vào tháng 9 nhờ bình luận lạc quan của Fed về kinh tế Mỹ, Wall Street sau đó liên tiếp dò đáy. Nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây sức ép lên tăng trưởng, và nâng lãi suất sẽ ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Thị trường Trung Quốc năm nay cũng lọt nhóm tệ nhất thế giới khi liên tiếp đi xuống, khiến vốn hóa bốc hơi 2.000 tỷ USD. Shanghai Composite đã mất 20% từ đầu năm và hiện ở đáy 4 năm. Các chính sách kích thích của Chính phủ chưa mang lại kết quả như kỳ vọng, cùng tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ là lý do khiến nhà đầu tư lo ngại.

Chỉ số MSCI theo dõi chứng khoán toàn thế giới đang có chuỗi giảm dài nhất 5 năm. DAX (Đức) đã 16,6% năm nay. Hồi đầu tháng, tác động cộng hưởng từ chứng khoán toàn cầu lao dốc và lo ngại vấn đề Brexit cũng khiến chỉ số FTSE 100 (Anh) đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 1999.

4. Bitcoin mất giá 80% 

Diễn biến giá Bitcoin trong hơn một năm qua.

Diễn biến giá Bitcoin trong hơn một năm qua.

Thời điểm này năm ngoái, giá tiền ảo phổ biến nhất thế giới lên gần 20.000 USD sau vài tháng tăng điên cuồng. Hai sàn giao dịch lớn trên thế giới cho phép mua bán hợp đồng tương lai Bitcoin, giúp tiền ảo này dần tiến vào thị trường tài chính truyền thống. Tấm gương các triệu phú, tỷ phú phất lên nhờ Bitcoin thôi thúc hàng loạt nhà đầu tư nghiệp dư đổ tiền mua vào với hy vọng kiếm lời. Thậm chí, một nhà phân tích từng dự báo giá Bitcoin có thể lên tới 100.000 USD một đồng năm nay.

Tuy nhiên, việc đó đã không xảy ra. Các nhà đầu tư tổ chức không rót tiền vào thị trường này như kỳ vọng, cùng sự kiểm soát ngày càng gắt gao từ giới chức các nước đã khiến tiền ảo dần mất giá. Mỗi Bitcoin hiện chỉ giao dịch quanh 4.000 USD, thậm chí có thời điểm xuống sát 3.000 USD. Các đồng tiền nhỏ từng được kỳ vọng cao, như Ethereum hay Ripple, cũng mất giá tới 90% trong năm nay.

Tiền ảo lao dốc đẩy hàng loạt nhà đầu tư vào cảnh tay trắng, thậm chí nợ nần. Máy đào Bitcoin bị bán tháo như sắt vụn. Các cơ sở đào Bitcoin phải đóng cửa. Giga Watt, công ty Mỹ nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác Bitcoin, tháng 11 đã nộp đơn xin phá sản với khoản nợ 10-50 triệu USD.

5. Năm biến động của các tỷ phú công nghệ

Ông chủ Amazon - Jeff Bezos trong một sự kiện hồi tháng 9. Ảnh: AFP

Ông chủ Amazon - Jeff Bezos trong một sự kiện hồi tháng 9. Ảnh: AFP

Năm nay tiếp tục là năm đáng nhớ với ông chủ Amazon - Jeff Bezos, khi chính thức vượt Bill Gates để đứng đầu danh sách Tỷ phú Thế giới của Forbes. Bezos cũng là người có tài sản tăng mạnh nhất thế giới, với 25,4 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Ông hiện sở hữu 124 tỷ USD. Vốn hóa Amazon năm nay cũng từng vượt mốc 1.000 tỷ USD.

Ba tỷ phú xếp ngay sau Bezos về tốc độ tăng tài sản năm nay là Lei Jun - Chủ tịch Xiaomi (tăng 8,87 tỷ USD), Colin Huang - CEO hãng thương mại điện tử Pinduoduo (7 tỷ USD) và cựu CEO Microsoft - Steve Ballmer (6,49 tỷ USD).

Dù vậy, không phải tỷ phú công nghệ nào cũng có năm thăng hoa. Ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg là người có tài sản giảm mạnh nhất thế giới, với 19,8 tỷ USD. 2018 là một năm đầy thách thức với Facebook khi công ty liên tiếp vướng vào nhiều scandal, từ sử dụng dữ liệu sai mục đích, tin giả đến nghi vấn can thiệp vào bầu cử.

6. Chính sách tiền tệ phân hóa trên toàn cầu

Chủ tịch Fed - Jerome Powell trong buổi họp báo sáng nay. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Fed - Jerome Powell trong buổi họp báo sáng nay. Ảnh: Reuters

Năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 4 lần nâng lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng, lên quanh 2,25-2,5%. Cơ quan này cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tăng trưởng ổn định và không còn cần sự hỗ trợ từ Fed.

Trong khi đó, một số nền kinh tế lớn khác lại giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục suốt thời gian dài. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hôm qua (20/12) tuyên bố vẫn duy trì mục tiêu lãi suất ngắn hạn tại -0,1%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa chính thức chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE) đã kéo dài vài năm qua, nhưng vẫn duy trì các lãi suất tham chiếu từ -0,4% đến 0,25%.

Trung Quốc hôm qua cũng tuyên bố tiếp tục nới lỏng tiền tệ nhằm giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ nền kinh tế. Nước này liên tục tung công cụ mới để bơm tiền ra thị trường, đồng thời giữ nguyên các lãi suất cho vay ngắn hạn quanh 2,55 - 2,7%

Ngân hàng Trung ương Anh thì mới nâng lãi một lần trong năm nay. Tuy nhiên, cơ quan này cũng quyết định giữ nguyên lãi trong phiên họp hôm qua, do lo ngại triển vọng kinh tế toàn cầu và bất ổn từ việc Anh sắp rời Liên minh châu Âu (EU).

7. Venezuela lún sâu vào khủng hoảng

Tủ lạnh chỉ toàn chai nước của một gia đình ở Venezuela. Ảnh: NYT

Tủ lạnh chỉ toàn chai nước của một gia đình ở Venezuela. Ảnh: NYT

4 năm chìm trong suy thoái, giới chức Venezuela đã nghĩ ra hàng loạt biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế từng là số một Mỹ Latin. Hồi tháng 2, họ ra mắt tiền kỹ thuật số - Petro được đảm bảo bằng dầu thô. Sau đó một tháng, Venezuela tuyên bố sẽ xóa 3 số 0 trên đồng bolivar. Cuối tháng 7, cảm thấy 3 số là chưa đủ, giới chức nước này thông báo sẽ xóa tới 5 số và gọi tiền mới là sovereign bolivar.

Dù vậy, việc đổi tiền, cùng hàng loạt chính sách kích thích khác như tăng lương tối thiểu 6 lần năm nay, hay giảm kiểm soát tiền tệ, vẫn không khiến người dân nước này lạc quan. Họ vẫn thiếu thốn mọi thứ, từ lương thực, thuốc men, điện, nước đến xăng. Giới chuyên gia cũng khẳng định chỉ khi thay đổi các chính sách kinh tế, Venezuela mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Lạm phát tại Venezuela vẫn đang tăng với tốc độ phi mã. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo con số này sẽ là 1,37 triệu phần trăm năm nay. Còn GDP Venezuela sẽ giảm tới 18% - mạnh nhất thế giới.

8. Giá dầu lên đỉnh, xuống đáy chỉ trong 2 tháng

Dầu rót ra từ vòi tại một cơ sở khai thác ở Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: Reuters

Dầu rót ra từ vòi tại một cơ sở khai thác ở Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: Reuters

Giá dầu thô thế giới năm nay ổn định suốt 6 tháng đầu, quanh 70-75 USD một thùng. Đến đầu tháng 10, giá tăng vọt lên đỉnh 4 năm, tại 87 USD một thùng Brent, do lo ngại thiếu cung năm 2019 khi Mỹ khôi phục các lệnh trừng phạt lên Iran.

Tuy vậy, nỗi sợ này sau đó đã được chứng minh là vô căn cứ. Chỉ trong 6 tuần, giá mất hơn 20 USD. Nguyên nhân là triển vọng tăng trưởng nhu cầu năm tới được dự báo yếu đi, sản xuất Mỹ và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang ở mức kỷ lục, hoàn toàn bù đắp được lượng thiếu hụt từ Iran. Bên cạnh đó, Mỹ lại đồng ý cho 8 nước tiếp tục mua dầu từ Iran mà không vi phạm lệnh trừng phạt.

Việc này khiến giá dầu liên tiếp lập đáy trong những tháng cuối năm. OPEC và các nước đồng minh đã phải nhóm họp, tuyên bố sẽ giảm sản xuất 1,2 triệu thùng một ngày trong năm 2019. Dù vậy, thông tin này không giúp ích nhiều cho thị trường. 

Hà Thu (tổng hợp)

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat