4 năm có hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen
Những tồn tại từ hoạt động cho vay ngang hàng và sự bùng nổ của tín dụng đen là chủ đề được quan tâm trong Hội nghị trực tuyến do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay (26/12).
Theo ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, trong 4 năm gần đây theo số liệu sơ bộ của Cơ quan công an, toàn quốc có hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Trong số đó, có 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan tới huy động vốn lãi suất cao với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Mô hình cho vay ngang hàng đáp ứng cả những khoản vay nhỏ và hỗ trợ người không đạt tiêu chuẩn vay ngân hàng. Ảnh: A.Q. |
Đại diện cơ quan giám sát cho biết hiện chưa có khái niệm chính thống cũng như quy định pháp luật về tín dụng đen. Nhưng từ thực tế cho thấy tín dụng đen là hoạt động các tổ chức, cá nhân cho vay không được cấp phép với lãi suất rất cao so với quy định hay còn gọi là cho vay nặng lãi.
Thủ tục cho vay nhanh, không tài sản thế chấp, không quy định lãi suất mà quy định số tiền nhất định trong ngày khiến hoạt động này phát triển mạnh ở phân khúc thị trường nông thôn, các khu công nghiệp, những người có nhu cầu vay tiền nhanh trong thời gian ngắn.
Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam từng cho biết, nạn tín dụng đen hoành hành rất mạnh tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương. "Giao dịch cho vay nặng lãi chủ yếu thỏa thuận miệng, hầu như không có bằng chứng. Nạn nhân không trình báo nên cơ quan chức năng rất khó để xử lý", ông Tiêm nói.
Lý giải nạn tín dụng đen nở rộ tại nhiều khu công nghiệp, ông Tiêm cho rằng do lương công nhân thấp, trung bình chỉ từ 5 triệu đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều gia đình công nhân gặp khó khăn đột xuất như con ốm, cần tiền đóng học cho con, trả tiền thuê nhà... nên họ buộc phải vay dù lãi suất cao. Ngoài ra, nhiều công nhân trẻ chưa có kế hoạch chi tiêu hợp lý, thậm chí sa vào tệ nạn lô đề, cờ bạc.
Tuy khoản vay thường nhỏ, nhưng theo ông Phạm Huyền Anh, tín dụng đen khi đổ vỡ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến hậu quả kinh tế xã hội, mất an toàn trật tự, gây ra đòi nợ thuê bất hợp pháp, ảnh hưởng an ninh xã hội, tính mạng của người đi vay.
Ngoài tín dụng đen, sự bùng nổ của các mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng đang là vấn đề đặt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý.
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), nền tảng cho vay ngang hàng (P2P Lending) xuất hiện một thập niên gần đây trên thế giới và mô hình này đã có tại Việt Nam thông qua một số công ty cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế hoạt động đã bộc lộ nhiều điểm tồn tại như quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia hay trường hợp nhiều nền tảng cũng đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.
"Trong hệ sinh thái này, người cho vay có thể đối mặt nhiều rủi ro mất tiền do không thực hiện đúng thoả thuận, lừa đảo, hoặc công ty cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng quy trình định danh và phòng chống rửa tiền", ông Quang nhận xét.
Đại diện cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cũng cảnh báo nhiều rủi ro khác với các bên tham gia như trường hợp có thể bị đánh cắp thông tin, một số đối tượng núp bóng giao dịch P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, hay biến tướng của nền tảng này như việc huy động tài chính đa cấp, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen.
Cũng theo cơ quan quản lý, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cũng là vi phạm pháp luật.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đang phối hợp các Bộ, ngành liên quan đề xuất xây dựng biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ nói chung và hoạt động P2P Lending nói riêng.
Minh Sơn
No comments