Chặng đường bứt tốc lên Top 27 thế giới về tiếp cận điện năng của EVN
Thứ sáu, 30/11/2018, 09:00 (GMT+7)
Chỉ sau 5 năm, chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam thăng hạng ấn tượng 129 bậc, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế, xã hội.
Chuyện của "thỏi nam châm" thu hút FDI
Tháng 4/2008, Samsung Electronics Việt Nam chính thức khởi công xây dựng tại Yên Phong, Bắc Ninh. Đến 2017, Samsung Display Việt Nam "rót" thêm 2,5 tỷ USD, nâng mức đầu tư vào tỉnh này đến 4 tỷ USD.
Không riêng Samsung, hàng loạt doanh nghiệp FDI khác cũng chọn địa phương này để rót vốn. Cho đến nay, Bắc Ninh đứng thứ 6 cả nước về thu hút FDI, với 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án quy mô từ các tập đoàn lớn như: Canon, Samsung, Fushan...
Không phải ngẫu nhiên địa phương này trở thành mảnh đất lành cho chim đậu. Từ cả chục năm trước, Bắc Ninh xác định sẽ sử dụng nhiều biện pháp để thu hút đầu tư FDI.
Trong số 7 biện pháp mũi nhọn như thực hiện chính sách ưu tiên, nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư, cải cách thủ tục hành chính..., Bắc Ninh đã tập trung nguồn lực để nâng cao nguồn lực cơ sở hạ tầng gồm giao thông, điện, nước, xử lý rác nước thải... Trong đó, điện là một trong những ưu tiên lớn nhất. Chính quyền tỉnh có nhiều hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng. Nguồn điện, lưới điện luôn đáp ứng tốt nhu cầu của các phụ tải lớn ở các khu công nghiệp...
Mới đây nhất, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, tại Bắc Ninh, EVNNPT đã đưa vào vận hành hai máy biến áp 220kV với tổng dung lượng 500 MVA để tăng cường công suất cho phụ tải.
"Để mời gọi doanh nghiệp FDI, điện luôn đi trước một bước", đó là khẳng định của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khi trao đổi với báo chí về vai trò quan trọng của ngành điện.
Theo ông, không phải ngẫu nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới có yêu cầu rất cao về chất lượng điện và chọn địa điểm phù hợp để đầu tư như Tập đoàn Điện tử Samsung của Hàn Quốc lại đặt nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tập đoàn sản xuất chíp điện từ Intel của Mỹ đặt nhà máy tại khu Công nghệ cao TP HCM.
Thực tế, những nỗ lực gần đây của ngành điện đã góp phần không nhỏ biến Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp FDI. Tổng kết 30 năm thu hút vốn FDI của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy đầu tư nước ngoài là một trong những điểm sáng lớn nhất của kinh tế Việt Nam trong hàng chục năm qua.
Còn khảo sát gần đây của PwC trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC cũng cho thấy Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối về thu hút FDI.
Tiếp cận điện năng 2018 - những con số ấn tượng
Những nỗ lực của ngành điện cũng đã được ghi nhận cụ thể bằng các con số. Báo cáo Doing Business 2019 ngày 31/10 của Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của 190 nền kinh tế cho thấy ngành điện Việt Nam đã có những bước tiến đáng kinh ngạc trong thời gian qua.
Theo đó, năm 2018, chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam thăng hạng đáng kể, đạt xếp hạng cao nhất từ trước đến nay với 87,94 điểm - đứng thứ 27 trên 190 quốc gia và nền kinh tế, tăng 37 bậc với năm ngoái.
Chỉ số này được đánh giá theo các tiêu chí: thủ tục, thời gian, chi phí kết nối với lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện và tính minh bạch của giá điện.
Việt Nam là nền kinh tế có chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực, vượt qua Philippines và xếp thứ 4 ASEAN. Đây cũng là chỉ số có cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số của nền kinh tế theo đánh giá của Doing Business, góp phần duy trì đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, có dịch vụ điện tốt, chất lượng điện ổn định, các địa phương mới thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Nếu so với các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đang ở nhóm bốn nước tốt nhất.
So với một số quốc gia phát triển, chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam ngang bằng các nước này. Cụ thể, số thủ tục tương đương, thời gian thực hiện tốt hơn nhiều, chỉ còn 31 ngày, nhỏ hơn 1/2 thời gian so với mức bình quân các nước khu vực Đông Á Thái Bình Dương (65 ngày) hay nhóm các nước OECD (77,2 ngày).
Về độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện, Việt Nam đạt 7/8 điểm, tương đương các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Singapore, Thụy Sĩ, Đan Mạch và tốt hơn nhiều quốc gia lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil...
Báo cáo của Doing Business cũng ghi nhận, Việt Nam tiếp tục cải thiện trong năm qua với những cải cách của EVN trong việc cung cấp các dịch vụ điện năng trực tuyến chất lượng.
Những nỗ lực không ngừng của ngành điện
Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, để có kết quả như đánh giá của Doing Business, EVN đã triển khai nhiều giải pháp về dịch vụ khách hàng.
Theo đó, 100% dịch vụ cung cấp điện năng của EVN có thể thực hiện đăng ký trực tuyến. Các thông tin về quy định đăng tải công khai trên website về dịch vụ khách hàng, hỏi đáp trực tiếp qua đường dây nóng 24/24h các trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN trên toàn quốc. Khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua nhiều hình thức thuận lợi.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, ngành điện làm việc với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa các dịch vụ điện ra trung tâm hành chính công của địa phương hoặc kết nối liên thông, đưa dịch vụ điện lên website cung cấp dịch vụ công trực tuyến của địa phương, giúp dịch vụ điện đến gần doanh nghiệp và người dân, nâng cao mức độ minh bạch trong quá trình cung cấp dịch vụ điện.
Cùng với đó, EVN chú trọng áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cung cấp điện. Đây là yếu tố quan trọng giúp chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện rất nhiều trong hai năm vừa qua.
"Việc thăng hạng vượt bậc về chỉ số tiếp cận điện năng đã khẳng định kết quả tích cực đối với những nỗ lực không ngừng của EVN nhằm mang tới cho khách hàng sử dụng điện chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn", đại diện EVN cho biết.
Hà Trương
No comments