Breaking News

Vì sao chủ tịch Thaco rót tỷ USD vào Hoàng Anh Gia Lai?

Buổi lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty ôtô Trường Hải (Thaco) vừa qua thu hút sự quan tâm lớn khi tổng số tiền Thaco đầu tư vào các công ty của đối tác đã vươn lên ngưỡng gần một tỷ USD.

Từ chỗ ưa làm lớn và đầu tư khủng sang Lào, Campuchia, Myanmar trong suốt một thập kỷ qua, hiện nay, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai phải tận dụng quỹ đất trồng cao su (do không hiệu quả) để phát triển cây ăn trái ngắn ngày, nhằm tìm kế sách vượt khó. Doanh nghiệp chắt chiu dòng tiền từ chuối, chanh dây, thanh long, ớt... và chưa thoát cảnh thiếu vốn, nợ đọng, chi phí tài chính lên cao.

Nếu trước đây đối tác bỏ tiền vào HAGL là những quỹ đầu tư ngoại danh tiếng, những tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ thì giai đoạn 2016-2017, đến với doanh nghiệp phố núi, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng lấy thận trọng làm đầu và dè dặt bước chân vào chỗ khó.

Trong hoàn cảnh đó, năm 2018, Bầu Đức tìm đến ông Trần Bá Dương, lật bài ngửa về những thách thức chồng chất của doanh nghiệp và kỳ vọng một cái gật đầu hợp tác. Sau những bài kiểm tra và nghiên cứu hoạt động của HAGL, Chủ tịch Thaco nhận lời hợp tác toàn diện với tổng dòng tiền rót cho đối tác lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Với thương vụ này, Bầu Đức cất được gánh nặng tài chính đeo đẳng nhiều năm qua. Nhưng Thaco được gì và vì sao họ mạnh dạn rót vốn khủng vào HAGL trở thành câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá, trong thương vụ này, thoạt đầu xét về tài chính Bầu Đức có vẻ được lợi lớn hoặc tương quan đôi bên cùng thắng. Thế nhưng, trên thực tế, cái Thaco nhận được thậm chí còn lớn hơn. Ông Nghĩa chỉ ra 3 lợi thế Thaco sẽ nhận được.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức và Chủ tịch Thaco, Trần Bá Dương.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức (bên trái) và Chủ tịch Thaco, Trần Bá Dương.

Thứ nhất, tiếp cận các tài sản của HAGL vào mùa gặt hái. Những rừng cao su, cánh đồng cây ăn trái hàng chục nghìn ha của HAGL đã được trồng trọt, xuất khẩu hoa quả vào guồng... cho thấy các tài sản này đang ở dạng nguồn lực ở chu kỳ sẵn sàng hái quả, không mất thời gian cày xới lại từ đầu. Dự án ở Myanmar cũng là quỹ đất sạch, sẵn sàng xây dựng, thị trường còn trong chu kỳ tiềm năng.

Như vậy, Thaco yên tâm về hành trình đầu tư được định vị bài bản, giảm thiểu chông gai như những tháng ngày Bầu Đức chân ướt chân ráo làm nông nghiệp, hay khai phá thị trường Yangon. Ngoài ra, đằng sau khối tài sản này, Thaco còn tiếp cận được quỹ đất cả trăm nghìn ha của HAGL với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện.

Thứ hai, thuận lợi trong việc mở rộng và hoàn chỉnh chuỗi giá trị. Thaco mới là bên được lợi từ chuỗi giá trị nông nghiệp và có cơ hội mở rộng thêm thị trường ngách: cơ giới hóa nông trường, cơ giới hóa các khâu sơ chế, chế biến, sản xuất. Một ví dụ nhỏ, Thaco có thể tận dụng rừng cao su đến mùa cạo mủ để đầu tư ngành xăm lốp (sản xuất lốp xe) như một giá trị cộng thêm trong quá trình nội địa hóa linh kiện ôtô. Ngoài ra, dự án ở Myamar lại trùng khớp với thế mạnh bất động sản cao cấp Đại Quang Minh đang có.

Thứ ba, tạo ra sự cộng hưởng thương hiệu lớn chưa từng có. Đặt Thaco cạnh HAGL, vừa là đối trọng vừa là đối tác, hai thương hiệu có quy mô lớn tương đồng, bổ trợ lẫn nhau và tích hợp các thế mạnh của nhau sẽ tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ về mặt thương hiệu. Thaco nhiều khả năng sẽ xuất hiện hoặc được nhắc đến cùng với thương hiệu của HAGL ở những mặt trận mới: bóng đá, nông nghiệp hoặc ở những thị trường mới: Lào, Campuachia, Myanmar.

Ông Nghĩa nhận định, cái bắt tay của Thaco với HAGL có thể xếp vào nhóm thương vụ tỷ đô đặc biệt vì 2 công ty đều có tầm ảnh hưởng lớn trên bình diện quốc gia. Trong khi các doanh nghiệp Việt thường chuộng bắt tay với khối ngoại như một xu hướng thời thượng thì hiện tượng Co-branding (liên kết thương hiệu) của cặp đôi Thaco - HAGL trở thành điểm sáng của làn sóng hợp tác nội địa. Đây là thương vụ điển hình mở ra kỷ nguyên tích hợp nguồn lực để hoàn chỉnh chuỗi giá trị.

Ông Nghĩa phân tích thêm, nếu nhắc tới HAGL là một nhà đầu tư táo bạo, chuyên chọn lựa thị trường khác biệt có thể tạo ra lợi nhuận đột biến thì Thaco lại là nhà kỹ trị chuyên sâu, có có tầm quản trị tốt, đầu tư chọn lọc, hệ thống đạt sự ổn định và hiệu quả cao. Việc các công ty của Bầu Đức vốn quen với mô hình quản trị tập trung sẽ chuyển đổi sang mô hình quản trị dân chủ khi có sự tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp từ ông Trần Bá Dương.

Trao đổi với VnExpress, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư thuộc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank KimEng khẳng định hợp tác giữa HAGL và Thaco sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của cả hai bên trong ngắn hạn.

“Nếu xét về vấn đề tài chính thì bên hưởng lợi nhiều hơn trong hợp tác này là Bầu Đức. Tuy nhiên, ở góc độ thương hiệu, kinh nghiệm và quỹ đất để phát triển nông nghiệp thì ông Trần Bá Dương sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn”, ông Khánh nhận định. Theo chuyên gia này, hợp tác giữa HAGL và Thaco cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thị giá của các cổ phiếu liên quan trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Tiến Minh – Giám đốc phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, phía hưởng lợi trước mắt là HAGL bởi Thaco đủ tiềm lực giải quyết ổn thỏa hai vấn đề lớn mà doanh nghiệp này đang đối mặt là nợ và vốn mới.

Về lâu dài, vấn đề quản trị doanh nghiệp và cộng hưởng thương hiệu sẽ là đất để Thaco dụng võ. Bầu Đức là doanh nhân có tâm và cầu thị nhưng vẫn còn một số hạn chế về mặt chiến lược khi bộ máy ngày càng phình to. Sự xuất hiện của ông Trần Bá Dương trong vai trò tái cấu trúc toàn diện cho HAGL gần như là mảnh ghép hoàn hảo.

"Tiếng nói của Chủ tịch Thaco, với tư cách là đối tác chiến lược, sẽ có tác động lớn để HAGL hoàn thiện chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo cho doanh nghiệp”, ông Minh nhận định.

Vũ Lê - Phương Đông

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat