Trung Quốc quản lý đồng nhân dân tệ như thế nào? - Bất Động Sản Sài Gòn

Breaking News

Trung Quốc quản lý đồng nhân dân tệ như thế nào?

Mỹ - Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán thương mại cuối tháng này, nhằm giải quyết các căng thẳng gần đây giữa hai nước. Giới phân tích cho rằng đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá sẽ là tâm điểm các cuộc nói chuyện này.

Từ tháng 4, đồng NDT đã yếu đi 9% so với USD và hiện ở đáy hơn một năm. Đà giảm này dĩ nhiên khiến Tổng thống Mỹ - Donald Trump quan tâm, do đến nay, ông vẫn luôn chỉ trích Trung Quốc cố tình ghìm giá NDT để hỗ trợ xuất khẩu. Tháng trước, ông còn nhận xét đồng NDT “đang rơi thẳng đứng”.

NDT không được tự do biến động như các tiền tệ lớn khác, như đôla Mỹ hay bảng Anh. Mỗi sáng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ thiết lập tỷ giá tham chiếu, cho phép NDT dao động trong biên độ 2% quanh tỷ giá đó.

Người mua hàng cầm tờ 100 NDT tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Người mua hàng cầm tờ 100 NDT tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Aidan Yao - một nhà kinh tế cấp cao tại AXA Investment Managers cho biết, nhìn từ lịch sử, Trung Quốc có lý do để kiểm soát chặt NDT. Khi nước này bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào thập niên 70 và 80, vì lợi ích quốc gia, họ giữ NDT ở mức thấp để hàng xuất khẩu cạnh tranh hơn so với các đối thủ châu Á.

Một nguyên nhân khác là sự ổn định. Trung Quốc đã thoát khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 90 (trong khi tiền tệ các nước lân cận đều lao dốc) chủ yếu vì đóng cửa với nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), PBOC thiết lập lãi suất để định hướng nền kinh tế. Việc này có thể ảnh hưởng đến giá nội tệ. Ngoài ra, PBOC còn sử dụng các công cụ khác, như quy định về dự trữ bắt buộc của các nhà băng.

Dù vậy, không như Fed, hoạt động của PBOC không độc lập, mà vẫn phải theo sự chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. PBOC can thiệp vào thị trường qua các ngân hàng quốc doanh, hoặc sử dụng dự trữ ngoại hối lớn để đẩy giá NDT.

Thi thoảng, họ cũng khiến thị trường ngạc nhiên, như đợt hạ giá NDT năm 2015. “PBOC là người chơi lớn trên thị trường ngoại hối”, Yao cho biết, “Anh sẽ không thực sự thấy kiểu can thiệp này ở Fed, ECB hay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đâu”.

Dù Trung Quốc có khả năng can thiệp vào NDT, giới phân tích lần này lại nghi ngờ việc nước này đẩy giá nội tệ xuống so với USD và các tiền tệ khác. Họ cho rằng chính chiến tranh thương mại với Mỹ và lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã đẩy NDT xuống thấp, trong bối cảnh Fed nâng lãi suất. Chính sách của Mỹ càng hấp dẫn nhà đầu tư giữ USD và bán tiền tệ khác.

Dù NDT yếu có thể giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và bù đắp thiệt hại từ thuế nhập khẩu của Mỹ, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh giờ còn muốn kéo giá nội tệ lên hơn. Viraj Patel - chiến lược gia ngoại hối tại ING nhận xét, những động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy chính phủ nước này muốn đồng tiền ổn định.

Khi NDT đi xuống, các thông báo gần đây của PBOC đều khẳng định họ đang tìm cách giữ đồng tiền ổn định. Trung Quốc muốn thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định giá trị của NDT. Tuy nhiên, việc này cần thời gian.  

Thập kỷ qua, nhà đầu tư đã được giao dịch NDT tại nhiều trung tâm tài chính thế giới, như Hong Kong, London hay New York. Tuy nhiên, giá của nó vẫn bám sát thị trường trong nước. Sáng kiến liên kết giao dịch trái phiếu và cổ phiếu với sàn Hong Kong cũng giúp nhà đầu tư ngoại mua bán tài sản định giá bằng NDT dễ dàng hơn. “Trung Quốc đang muốn nâng tầm ảnh hưởng trong hệ thống tài chính toàn cầu”, Yao cho biết.

Hà Thu (theo CNN)

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat