Sẽ bêu tên các website bán hàng vi phạm
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý website thương mại điện tử ứng dụng trên thiết bị di động. Việc này sẽ đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến và khuôn khổ, đồng thời giúp cơ quan quản lý kiểm soát, loại bỏ sàn thương mại điện tử không uy tín, bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
"Bộ Công Thương sẽ công khai tên website thương mại điện tử, ứng dụng di động, cũng như thông tin của tổ chức, cá nhân sở hữu website vi phạm quy định", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Theo dự thảo Thông tư này, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không được sử dụng website thương mại điện tử, ứng dụng di động để kinh doanh các loại hàng hóa như súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm...
Kiểm soát hàng bán trên trang thương mại điện tử |
Các đơn vị phải có biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website, chương trình ứng dụng những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cá nhân bán hàng trên mạng phải có cam kết về bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng.
Cũng đề cập tới khó khăn của lực lượng quản lý thị trường trong đấu tranh hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử, ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội nhìn nhận, tình trạng chào bán hàng giả, cấm gia tăng, tiềm ẩn nhiều phức tạp. "Hàng giả, hàng nhái bày bán công khai trên các trang webite, sàn thương mại điện tử ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng", ông Kiên nói.
Các thủ đoạn của người bán, theo vị này, khá tinh vi. Ông phân tích, các website thương mại điện tử sử dụng ảnh hàng thật để chào bán, quảng cáo và bán với giá rẻ hơn nhiều so với cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính thức nhằm lôi kéo người sử dụng hàng hiệu giá rẻ như đồng hồ, kính mắt, giày dép... Cá biệt, có trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh chưa được lưu hành như thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu.
Khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt hoặc chuyển phát hàng nhanh kèm thu tiền (ship COD) để thu tiền khách hàng, nhưng thực tế hàng bán là hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
"Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng địa chỉ giao dịch nhưng tập kết hàng hoá ở nhiều chỗ khác nhau, kết hợp nơi giao dịch và cất giữ hàng hoá nên khó khăn cho công tác kiểm tra chính xác, kiểm tra nắm giữ vi phạm", ông Kiên nói thêm.
Mặt khác các trang mạng thanh toán thường là ảo, không có địa điểm kinh doanh, không có địa chỉ rõ ràng không thể kiểm tra ngay. Chưa kể các doanh nghiệp kinh doanh hàng giả, nhái đều không có hoá đơn chứng từ... khiến công tác kiểm tra, xử lý càng trở nên khó khăn.
Thực tế tình trạng hàng giả, hàng nhái và không đảm bảo chất lượng đang được rao bán khá phổ biến trên các trang thương mại điện tử. Không khó để bắt gặp các sản phẩm mang thương hiệu lớn nhưng được rao bán với giá rẻ trên các trang này. Sự việc gần đây nhất là người bán công khai bán sản phẩm đồ chơi trẻ em có in hình đường lưỡi bò trên trang Shopee. Sau khi nhận được phản ánh từ người mua, sàn thương mại điện tử này đã gỡ bỏ, thu hồi sản phẩm vi phạm. Đơn vị này cũng hứa hoàn tiền và bồi thường cho khách hàng. Để không lặp lại sự cố trên, đại diện Shopee đã đưa hạng mục các mặt hàng liên quan bản đồ vào danh mục "hạn chế". Theo đó, các mặt hàng liên quan sẽ phải được rà soát kỹ trước khi được đăng lên bán cho khách hàng. Kiểm tra sau đó tại địa chỉ người bán, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ nhiều thùng đồ chơi có chứa sản phẩm vi phạm.
Tuy nhiên để xử lý triệt để nạn hàng giả, hàng nhái, lãnh đạo Cục Thương mại & Kinh tế số nhấn mạnh "cần ngăn chặn từ gốc". Cụ thể, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý thị trường kiểm tra hàng nhập khẩu, hàng nhái nhập lậu vào Việt Nam. Đồng thời, phải kiểm tra cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái trong nước, có hình thức xử lý nghiêm minh và thậm chí xử lý hình sự nếu có yếu tố cấu thành tội phạm.
Anh Minh
No comments