Quỹ hưu trí tự nguyện Việt Nam sau nhiều năm manh nha
Hơn 10 ấp ủ
Nhu cầu đóng thêm một quỹ hưu trí khác ngoài bảo hiểm xã hội manh nha từ năm 2007. Tuy nhiên, đến 6 năm sau, vào năm 2013 khi Bộ Tài chính ra thông tư 115 hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện thị trường mới bắt đầu sôi động với sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm như PVI Sun Life.
Là một trong số công ty bảo hiểm đầu tiên giới thiệu ra thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Theo phân tích Việt Nam chỉ mới có gần 20% người cao tuổi có lương hưu từ bảo hiểm xã hội, nghĩa là nhu cầu của người dân về một kế hoạch hưu trí rất lớn, trong khi tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng cao, thu nhập người dân đang dần được cải thiện. Vì vậy, công ty này nhận định, phát triển bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một bước đi mang tính chiến lược và kịp thời.
Tuy nhiên bảo hiểm hưu trí do các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp là một lựa chọn bổ sung bên cạnh quỹ bảo hiểm xã hội và đơn thuần là sản phẩm thương mại.
Năm 2016, với Nghị định 88 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện do Chính phủ ban hành; đây được xem khung pháp lý đầu tiên và cao nhất để hình thành Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện nhằm đảm bảo an sinh xã hội khi xu hướng dân số hoá dần già đi và tạo ra nguồn vốn đầu tư dài hạn vào thị trường vốn, nhất là thị trường nợ.
Nhằm hiện thực hóa điều này, đầu năm 2017, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) và BIDV ký kết bản ghi nhớ phát triển và cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân và giám sát cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Theo đó, các bên sẽ cùng hợp tác để phát triển phần mềm quản lý tài khoản cá nhân cho các đối tượng tham gia vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại VSD và cơ chế chia sẻ thông tin để BIDV cung cấp dịch vụ giám sát cho các quỹ hưu trí.
Ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ VFM cho biết, doanh nghiệp đã mất 10 năm theo đuổi kế hoạch đưa quỹ hưu trí tự nguyện vào Việt Nam. Mục đích của quỹ này không phủ nhận quỹ bảo hiểm xã hội mà đơn giản chỉ là khoản bổ sung thêm khoản nho nhỏ cho người lao động khi về hưu.
Theo các chuyên gia, quỹ hưu trí tự nguyện sẽ giảm gánh nặng cho mỗi quốc gia khi đối mặt với tình trạng dân số già đồng thời góp phần gia tăng dòng vốn cho nền kinh tế. |
Thời điểm đó, các bên kỳ vọng việc nghiên cứu sẽ được xây dựng và triển khai để quỹ có thể ra đời sớm và trở thành quỹ hữu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm nay, song vì nhiều lý do lúc này quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam vẫn ở trạng thái "phôi thai".
Yêu cầu từ thị trường
Ông Phùng Đắc Lộc - nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nói với VnExpress, hiện dân số Việt Nam vào khoảng 95 triệu người, trong đó 55% thuộc độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 2,5 triệu người có lương hưu (chiếm 20% dân số). Cùng với đó là xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ chi bảo hiểm xã hội lớn hơn thu, trong khi mức sống của người dân ngày càng nâng cao... đè nặng áp lực lên cho vấn đề an sinh xã hội cho Nhà nước.
"Vấn đề đặt ra là cần chính sách phù hợp với thực tế này nếu không cuối cùng nhà nước cũng phải lo, phải trợ cấp và phải lấy ngân sách. Đây là bài toán vốn cần thiết cho một quốc gia, tương lai là rất gần chứ không còn xa xôi. Thậm chí lúc này nhiều người còn đặt vấn đề giảm nhi khoa để tăng lão khoa lên lượng người già càng tăng", ông Lộc nói.
Nhu cầu về một quỹ hưu trí tự nguyện hầu hết ai cũng thấy, song theo đánh giá của vị chuyên gia này, mức độ tham gia thị trường từ các công ty tài chính hoặc các quỹ đầu tư vẫn ở mức thăm dò.
Lý do theo ông Lộc, muốn làm cần phải có quỹ đầu tư tiềm lực. Thêm nữa, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện khắc khe từ quy định, trong đó hạ tầng công nghệ có thể quản lý được hàng triệu tài khoản riêng lẻ.
"Do mỗi người tham gia quỹ hưu trí là một tài khoản riêng, họ được cập nhật thông tin thường xuyên. Tôi ví dụ quỹ có 5 triệu tài khoản chỉ một một thay đổi doanh nghiệp phải có 5 triệu bút toán lên tất cả tài khoản. Quản lý phức tạp, cần trình độ, đội ngũ và công nghệ để làm", ông nói.
Hồi năm ngoái, lãnh đạo VFM khá tự tin về tương lai quỹ này khi nhận định đây là một trong các quỹ lớn nhất Việt Nam trong 10-20 năm tới. "Thị trường đã có mức độ sẵn sàng tương đối. Một số doanh nghiệp có chương trình riêng, một số khác cho biết có nhu cầu cho một nhóm nhân viên cụ thể", ông nói. Thậm chí vị này còn đề xuất có thể áp số tiền 500 tỷ đồng - vốn tối thiểu để mở quỹ đầu tư để làm ngưỡng cho việc hình thành quỹ hưu trí tự nguyện.
Không ít thách thức
Theo nguyên lãnh đạo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, trong nhiều quy định hiện hành có việc "không cho phép người tham gia bảo hiểm rút tiền". Mục đích là an sinh tuổi già, chỉ hoàn trả cho người tham gia khi hết độ tuổi lao động. Song vị này cũng cho rằng, đây chính là cơ sở để nguồn tiền đóng vào quỹ hưu trí này góp vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Quỹ hưu trí tự nguyện sẽ cân bằng lại thị trường vốn trong đó có thị trường chứng khoán. |
"Nhất là trong bối cảnh nợ công đang lớn, cần hoàn trả, quỹ hưu trí là một trong những lựa chọn phù hợp cho nền kinh tế", ông nói.
Tại hội thảo "Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức - Kinh nghiệm của Nhật Bản và châu Âu" do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức hồi cuối năm ngoái, câu chuyện vốn cho nền kinh tế cũng được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nhắc đến bên cạnh hỗ trợ các vấn đề an xinh xã hội mà quỹ hưu trí tự nguyện đem lại.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện huy động vốn dài hạn vào nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Trong khi thói quen của đại bộ phận dân chúng là gửi ngân hàng, bất động sản, mua vàng hoặc ngoại tệ... Nếu thu hút được nguồn lực từ người dân vào các chương trình hưu trí thông qua tài khoản cá nhân sẽ là một giải pháp tốt cho nền kinh tế.
Vị này cũng cho rằng, do là loại hình sản phẩm mới mẻ ở Việt Nam, việc phát triển quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung sẽ có nhiều thách thức, nhưng trước yêu cầu đề ra, trong 10 năm tới nếu Việt Nam xây dựng được quỹ quy mô khoảng 100.000-200.000 tỷ đồng sẽ góp phần giảm áp lực vốn đáng kể cho nền kinh tế.
Ở khía cạnh thị trường chứng khoán, phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước - Phạm Văn Hoàng cho biết, nhờ quy mô tài sản của quỹ lớn, ổn định và dài hạn, quỹ hưu trí tự nguyện sẽ mang lại sự cân bằng cho thị trường tài chính, nguồn vốn cho phát triển kinh tế, trong đó bao gồm cả thị trường chứng khoán.
Đánh giá mức độ lan truyền rộng lớn từ quỹ này, đại diện Hội đồng Quỹ Hưu trí toàn cầu nhận định, các chương trình hưu trí tự nguyện khi tích lũy đủ lớn sẽ tạo hiệu ứng tích cực tới nhiều ngành kinh tế khác, không chỉ riêng thị trường tài chính hay thị trường chứng khoán.
Các chuyên gia dự báo, Việt Nam sẽ đi theo xu hướng thế giới, song việc áp dụng đại trà ngay từ đầu sẽ không dễ dàng. Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện ban đầu có thể sẽ chỉ tiếp cận các doanh nghiệp trả lương cao hoặc người lao động có nhu cầu.
Thanh Thư
Những thực trạng và giải pháp để tái cấu trúc thị trường vốn - tài chính sẽ được thảo luận trong chuyên đề thứ hai thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum - ViEF) khai mạc sáng 21/8 tại Hà Nội. Diễn đàn là nơi các nhà quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng nhau phân tích toàn cảnh thị trường vốn và tài chính tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những phương án, đề xuất giải pháp xây dựng thị trường vốn cho đầu tư dài hạn. Chương trình do VnExpress phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của chính phủ tổ chức. Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://ift.tt/2rTYkNj |
No comments