Breaking News

Ông Phùng Quốc Hiển: 'Chưa đặt vấn đề tăng hay giảm dần vốn vay ODA'

Chiều 9/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016.

Theo nhận định của đoàn giám sát, giai đoạn 2011-2016, các quy định về quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công theo các quy định mới đều hướng đến chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn. Đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị hơn 33,6 tỷ USD, cao hơn 59% so với thời kỳ 2006 - 2010. Bình quân giai đoạn này vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, hiện nay vốn vay quá nhiều, vượt cả khả năng hấp thụ, khoảng 40 USD một người. Trong khi đó một số nước như Hàn Quốc, tỷ lệ này cao nhất cũng 10 USD một người, nhiều nước khác đều thấp hơn. “Malaysia, rồi Lào, Campuchia cũng đều giảm dần vay ODA”, ông Dũng nói và cho rằng, Việt Nam cũng cần tiến tới xu hướng này.

Nêu quan điểm ngay sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói "giảm dần vốn ODA nói rất hay, nhưng làm ngay thì rất gay". Ông cắt nghĩa, Việt Nam là nước đang phát triển cần vốn, trong đó có vốn vay cho đầu tư phát triển.

"Trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, yêu cầu đầu tư lớn thì việc vay ODA là cần thiết. Chưa đặt ra vấn đề tăng cường hay giảm dần vốn vay nước ngoài", ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Cũng theo báo cáo giám sát, bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Tổng giải ngân cả giai đoạn giám sát khoảng 28 tỷ USD (tương đương 560.000 tỷ đồng), trong đó khoảng 18% dành cho chi trả nợ nước ngoài của Chính phủ, khoảng 226 tỷ đồng. 

Báo cáo đoàn giám sát vốn vay nước ngoài của Quốc hội cũng nêu ra loạt hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng vốn ODA. Cụ thể, theo đoàn giám sát việc huy động nguồn lực ODA chưa có chiến lược chặt chẽ, còn thể hiện tính dàn trải, manh mún.

Công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế. Từ năm 2015 trở về trước, vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua. Có những dự án giải ngân gấp tới 8 lần kế hoạch, như dự án quản lý thiên tại tại Quảng Trị kế hoạch bố trí 13,6 tỷ đồng, trong khi giải ngân trên 113 tỷ. 

Ngoài ra, việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức, dẫn đến giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, hầu hết tăng gấp 2 lần dự toán, làm tăng bội chi ngân sách. Đơn cử, năm 2011 giải ngân ODA vượt dự toán 5.775 tỷ đồng, năm 2012 hơn 17.140 tỷ đồng, năm 2013 là 29.420 tỷ... 

"Cảm thấy lo lắng" là tâm trạng của Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh, thiếu niên và nhi đồng sau khi đọc báo cáo của đoàn giám sát vốn vay ODA. Ông kiến nghị, cần đẩy mạnh giám sát của các đơn vị dân cử địa phương, trung ương. "Từng Uỷ ban, Hội đồng dân tộc phải nắm được các dự án ODA mình quản lý và giám sát cho được số dự án này", ông Bình nói. 

Trong khi đó, theo nhiều đại biểu, cần đoàn giám sát cung cấp rõ địa chỉ cụ thể cá nhân, địa phương... chưa làm tốt để làm rõ trách nhiệm. "Nêu bất cập như vậy thì có địa chỉ cụ thể không, bao nhiêu cá nhân bị xem xét trách nhiệm với những công trình, dự án vốn ODA không hiệu quả", bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện đề cập. 

Còn bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu nghịch lý, khi hầu hết tiêu cực tại các dự án này đều "do nước ngoài phát hiện chứ không phải Việt Nam". Dẫn lại loạt dự án mắc sai phạm trong dùng vốn vay nước ngoài như PMU18, dự án đường sắt sử dụng vốn vay Nhật Bản trước đây..., bà đề nghị, báo cáo giám sát của Quốc hội cần làm rõ vì sao lại như vậy.

Tại phiên thảo luận, nhìn nhận nguyên nhân hạn chế trong sử dụng vốn vay nước ngoài, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, đồng thời là trưởng đoàn giám sát nhận xét, thực tế nhiều địa phương, cán bộ vẫn nghĩ "ODA là cho không".

"Trong một số bộ phận cán bộ còn hạn chế, phần nào do quan niệm rằng nguồn vốn tài trợ cho không. Việc Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi. Vì vậy, chưa thực sự chú trọng đến hiệu quả của dự án", ông Hải nói.

Thậm chí, có dự án viết "hay" để miễn là vay được tiền, không chú trọng đến hiệu quả thiết thực, chưa thấy được trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Trên cơ sở những bất cập được nêu, đoàn giám sát chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành. Với Chính phủ, đoàn giám sát nhận định là đã có nhiều nỗ lực xây dựng cơ sở pháp lý và công tác quản lý, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả của một số dự án, công trình đạt được chưa tương xứng với chi phí và nghĩa vụ nợ nhà nước phải trả trong tương lai. 

"Là cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nợ công, song quản lý, điều hành của Chính phủ còn thiếu thống nhất đầu mối ở khâu đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ; chưa kịp thời đề xuất sửa đổi các quy định của luật để sớm khắc phục hạn chế trong tổ chức thực hiện. Một số dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn còn xảy ra tình trạng để thất thoát, mất vốn, khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ", báo cáo giám sát nêu.

Về phía bộ, ngành, Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong khâu xây dựng kế hoạch, chưa báo cáo kịp thời với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về tình trạng huy động hiện nay đã vượt mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý, giải ngân vốn ODA, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến số liệu có sự chênh lệch trong công tác báo cáo về thực trạng huy động, giải ngân vốn ODA.

Dữ liệu giải ngân ODA khác nhau là do 'cách tiếp cận'

Theo báo cáo giám sát, tổng giải ngân ODA giai đoạn 2011 - 2016 là 28 tỷ USD, tương đương 560.000 tỷ đồng. So với con số trần giải ngân ODA hằng năm Quốc hội cho phép là 300.000 tỷ đồng thì dữ liệu nêu tại báo cáo của đoàn giám sát vênh khá lớn, tới 260.000 tỷ.

Ông Phùng Quốc Hiển – Phó chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, "trần ODA hiện là 300.000 tỷ, song báo cáo của đoàn giám sát giải ngân lên tới 560.000 tỷ. Con số vênh ở đây là thế nào, có bao gồm khoản vay về cho vay lại hay không?”.

Giải trình con số vênh này tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, số liệu nêu trong báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội là do Tài chính tổng hợp, cơ bản chênh nhau do "cách tiếp cận".

"Bộ Tài chính lấy dữ liệu theo số sau khi ký hiệp định, còn ngành kế hoạch lấy số thực giải ngân các dự án được nhận vay vốn. Vì thế dữ liệu của Bộ Kế hoạch đưa ra thấp hơn so với Tài chính", ông Dũng giải thích.

Trưởng ngành kế hoạch thông tin thêm, qua rà soát nhiều vòng với 698 dự án đã, đang thực hiện và mới ký hiệp định vay sau khi kế hoạch giải ngân vốn trung hạn được phê duyệt... số giải ngân tăng thêm khoảng 62.000 tỷ đồng. "Bộ vẫn đang rà soát và số liệu cuối cùng xin phép được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10 tới", Bộ trưởng Kế hoạch nói thêm.

Anh Minh

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat