Đông Nam Á cần cải thiện thị trường vốn cho cơ sở hạ tầng
Các chuyên gia nhận định, Đông Nam Á cần phát triển sâu rộng hơn nữa thị trường vốn tài chính trong khu vực để tìm nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Phát biểu tại Hội nghị Bloomberg Asean Summit tại Bangkok hôm thứ Năm, Amol Gupte, giám đốc khu vực của Citigroup Inc. cho rằng, nhiều tổ chức đầu tư quốc tế như quỹ hưu trí, quỹ đầu tư chính phủ và tư nhân vẫn đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn để rót vốn. Để được lựa chọn, các dự án cần chứng minh được giá trị về mặt thương mại cũng như đảm bảo tính minh bạch trong hợp đồng.
''Một bên là những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, một bên là rất nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận. Mở rộng, phát triển thị trường vốn sẽ giúp kết nối hai bên'', Gupte khẳng định.
Xây dựng thị trường vốn mạnh là chìa khóa giải quyết bài toán vốn cho nhu cầu về cơ sở hạ tầng. Ảnh: Bloomberg |
Trước đó, McKinsey ước tính thị trường vốn tại châu Á nếu được cải thiện sâu rộng hơn có thể cung ứng khoảng 500 tỷ USD cho khu vực tư và 300 tỷ USD cho khu vực công mỗi năm.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á, các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á sẽ cần khoảng 2,8 nghìn tỷ USD để đầu tư vào đường xá, cầu, cảng trong giai đoạn 2016-2030 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo.
Điển hình như Thái Lan, chính phủ nước này đang tìm kiếm các nguồn đầu tư từ Trung Quốc cho kế hoạch 51 tỷ USD để phát triển khu vực Đông duyên hải. Chính quyền Thái Lan gọi đây là sáng kiến Hàng lang kinh tế phía đông (EEC), tương tự như ''Một vành đai, một con đường'' của Trung Quốc.
Mối liên kết được thắt chặt sẽ đem lại lợi ích thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á. Kanit Sangsubhan, tổng thư ký EEC lấy bài học từ tình hình leo thang chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và EU, khi Mỹ áp thuế mới 200 tỷ USD lên hàng hóa của Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/8. Về phía Trung Quốc, nước này tuyên bố cũng sẽ có hành động đáp trả.
''Bất cứ khi nào Mỹ tạo áp lực lên khu vực châu Á, điều chúng ta thấy là khối liên kết của khu vực châu Á, bao gồm cả Đông Nam Á sẽ càng chặt chẽ", Kanit nói.
''Bài học từ khủng hoảng tài chính châu Á và Luật hành lang kinh tế phía Đông được quốc hội Thái Lan thông qua mới đây sẽ giúp Đông Nam Á thu hút thêm nhiều vốn đầu tư'', Chartsiri Sophonpanich, chủ tịch Ngân hàng Bangkok Bank Pcl cho hay. Là ngân hàng lớn nhất Thái Lan về mặt tài sản, ngân hàng này cho rằng sẽ có đủ thanh khoản để rót vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khu vực.
Tính thanh khoản của hệ thống là một yếu tố quan trọng, Chartsiri chia sẻ với Bloomberg. ''Không thiếu nguồn vốn để huy động cho các dự án cơ sở hạ tầng. Quan trọng là, những dự án này phải chứng minh được giá trị kinh tế và ngăn ngừa, kiểm soát tốt rủi ro'', chuyên gia này cho hay.
Phạm Vân
Những thực trạng và giải pháp để tái cấu trúc thị trường vốn-tài chính của Việt Nam sẽ được thảo luận trong chuyên đề thứ hai thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum – ViEF) khai mạc sáng 21/8 tại Hà Nội. Diễn đàn là nơi các nhà quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng nhau phân tích toàn cảnh thị trường vốn và tài chính tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những phương, đề xuất giải pháp xây dựng thị trường vốn cho đầu tư dài hạn. Chương trình do VnExpress phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của chính phủ tổ chức. Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://ift.tt/2rTYkNj |
No comments