Mỗi người Việt gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018
Kịch bản về dư nợ công năm 2018 và 3 năm tới được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại báo cáo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025.
Theo đó, dự báo về nợ công Việt Nam năm 2018, Bộ Kế hoạch cho biết, nhiều khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP. Trong đó nợ Chính phủ hơn 2,9 triệu tỷ đồng (52,5% GDP), nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỷ và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỷ. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương 3,6% GDP.
Dữ liệu dự báo nợ công năm nay được đưa ra dựa trên kịch bản cơ sở với tăng trưởng bình quân 6,53%, tương ứng GDP danh nghĩa 5,53 triệu tỷ đồng và lạm phát dưới 4%. Đây cũng là kịch bản được cơ quan ngành kế hoạch đánh giá khả năng "nhiều khả năng xảy ra nhất". Như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm nay, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,3 triệu đồng).
Xét trong cả giai đoạn 2018 - 2020, thì tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 sẽ cao nhất 63,92%, sau đó sẽ giảm nhẹ về 63,46% năm 2019 và 62,558% năm 2020. Các chỉ tiêu này đều nằm dưới ngưỡng trần 64%GDP Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô thì nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000 - 380.000 tỷ đồng. Cụ thể, Nợ công sẽ tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ vào năm 2019, 2020, tương ứng với GDP các năm này là 6,15 triệu tỷ và 6,85 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách 3 năm tới sẽ lần lượt là 3,71%; 3,59% và 3,4%.
Bộ Kế hoạch cho biết, các dự báo về con số nợ công và kịch bản đưa ra dựa trên cơ sở có tính tới rủi ro của 3 yếu tố là tái cấp vốn với danh mục trái phiếu Chính phủ trong nước, lãi suất và tỷ giá.
Ở khía cạnh rủi ro tái cấp vốn, việc điều chỉnh sẽ kéo dài kỳ hạn phát hành theo các Nghị quyết của Quốc hội sẽ giảm rủi ro tái cấp vốn với danh mục nợ trong nước giai đoạn 2018 – 2020.
Rủi ro lãi suất hiện ở mức thấp do Chính phủ chưa huy động nhiều các khoản vay nước ngoài có lãi suất thả nổi, phát sinh chủ yếu từ yêu cầu đảo nợ ngắn hạn của danh mục nợ trong nước. Tuy nhiên, cơ quan ngành kế hoạch cho rằng, rủi ro này sẽ gia tăng cùng với động thái lãi suất bình quân giảm xuống 6,1% một năm vào 2020, do tỷ lệ các khoản nợ áp dụng lãi suất thả nổi có xu hướng tăng dần.
Còn với rủi ro tỷ giá, diễn biến cơ cấu nợ nước ngoài trên dư nợ Chính phủ ở dưới mức 50% trong 3 năm tới. Đây là xu hướng tích cực, hạn chế rủi ro tỷ giá hối đoái danh mục nợ Chính phủ, phù hợp với mục tiêu chiến lược nợ công và nước ngoài quốc gia. Dù vậy, trường hợp các đồng tiền ngoại tệ (USD, JPY, EUR) biến động bất lợi trong tương lai cùng việc điều chỉnh tỷ giá mạnh của Ngân hàng Nhà nước có thể làm tăng chi phí trả nợ và giá trị danh nghĩa các khoản nợ nước ngoài theo đồng Việt Nam.
Bộ Kế hoạch đánh giá, giai đoạn 2018 – 2020 Việt Nam vẫn cần tranh thủ, tận dụng vốn ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương. Song, việc huy động và sử dụng cần được xem xét trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư công, hạn mức vay nợ và khả năng cân đối trả nợ của ngân sách; cũng như xem xét, đánh giá tác động đến giai đoạn sau 2021 - 2025 để đảm bảo định hướng giảm dần bội chi, nợ công, chủ trương tái cơ cấu đầu tư công và khả năng cân đối nguồn trả nợ của các cấp ngân sách.
Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung xử lý các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã ký; lựa chọn và chuẩn bị các dự án đầu tư công tốt, hiệu quả để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Chỉ sử dụng vốn vay nước ngoài cho các lĩnh vực, dự án đầu tư công trong nước chưa đáp ứng được, khu vực tư nhân không có động lực đầu tư do không có lợi nhuận hoặc một số lĩnh vực đặc thù cần Nhà nước đầu tư để kiểm soát và quản lý giá.
"Cần nghiên cứu cơ chế để doanh nghiệp vay nguồn vốn của WB, ADB và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khác mà không cần bảo lãnh Chính phủ... có thể rơi vào bẫy “ODA và vay ưu đãi”, Bộ Kế hoạch lưu ý.
Anh Minh
No comments