Breaking News

Lợi nhuận đại gia ngành bia vẫn giảm trong mùa World Cup

Nửa đầu năm thường là giai đoạn doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh có lợi nhuận cao do trùng với "mùa mua sắm" Tết Nguyên đán. Riêng với ngành bia, năm nay còn trùng với mùa World Cup. Tuy nhiên, trái ngược với những dự đoán, cả Habeco và Sabeco đều báo lãi sụt giảm trong quý II, và đi ngang trong nửa đầu năm 2018. 

Nửa đầu năm 2018, doanh thu của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 3.000 tỷ đồng, giảm hơn 4%. Kết quả này đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng liên tục kể từ 2013 đến nay của doanh nghiệp giữ thị phần đứng đầu về sản xuất bia.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Sabeco sụt giảm là hiệu suất hoạt động. Trong nửa đầu năm, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này chỉ đạt gần 23,8%, so với mức 27,4% cùng kỳ năm trước. Điều này khiến lợi nhuận gộp của Sabeco trong kỳ chỉ ghi nhận hơn 4.000 tỷ đồng, giảm gần 6% dù doanh thu vẫn tăng.

Chi phí quảng cáo, tiếp thị của công ty này lại giảm khá mạnh khi chỉ ghi nhận hơn 388 tỷ, giảm 137 tỷ đồng (khoảng 26%) so với cùng giai đoạn năm trước.

Riêng trong quý II, Sabeco chỉ chi 154,5 tỷ đồng cho khoản mục này, giảm 13% so với cùng kỳ dù giai đoạn này là thời gian diễn ra World Cup. 

Bia Sài Gòn được bày bán tại một siêu thị Hà Nội. Ảnh: Anh Tú

Bia Sài Gòn được bày bán tại một siêu thị Hà Nội. Ảnh: Anh Tú

Tương tự Sabeco, kết quả kinh doanh của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã CK: BHN) cũng không mấy khả quan, dù nửa đầu năm thường là giai đoạn có mức lợi nhuận cao nhất.

Theo báo cáo tài chính quý II, Habeco ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.900 tỷ đồng, giảm hơn 1% so với cùng kỳ, với lợi nhuận trước thuế giảm 2% còn 270 tỷ đồng. 

Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 4.337 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 413 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này mới chỉ hoàn thành hơn 40% kế hoạch cả năm 2018.

Khác với Sabeco, khoản chi cho quảng cáo, tiếp thị của Habeco tăng khá mạnh trong quý II. Công ty dành gần 167 tỷ đồng, tăng 26 tỷ so với cùng kỳ năm trước cho khoản chi này. Dù vậy, kết quả thực tế đem lại cho Habeco vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Sự chững lại của doanh nghiệp sản xuất bia đứng đầu thị phần miền Bắc không chỉ đến trong nửa đầu năm nay, mà thực tế đã diễn ra ba năm gần đây. Trong khi các đối thủ đều đặn tăng trưởng thì doanh thu mỗi năm của Habeco gần như chỉ đi ngang quanh mốc 10.000 tỷ đồng. Thị phần của Habeco theo tính toán của các công ty chứng khoán cũng đang có dấu hiệu đi xuống với sự vươn lên của những đối thủ ngoại tại phân khúc cao cấp.

Trước triển vọng không mấy tích cực về hoạt động kinh doanh, trên sàn chứng khoán, diễn biến giao dịch cổ phiếu hai "đại gia" ngành bia là SAB và BHN cũng chịu cảnh tương tự.

Ở phiên giao dịch gần nhất, mỗi cổ phiếu SAB chỉ còn 200.000 đồng, thấp hơn 40% so với đỉnh từng xác lập, trong khi cổ phiếu BHN chỉ còn gần 86.000 đồng, bằng gần một nửa so với đỉnh. Không còn động lực từ những đợt thoái vốn, cả Sabeco và Habeco đang dần trở thành những cái tên xa lạ với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Minh Sơn

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat