Dự án chưa xong, thiết bị Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hết bảo hành
Trong báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương cho biết, đến nay dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư mới đạt gần 83% tiến độ tổng thể, nhiều hạng mục như mua sắm vật tư, thiết bị và lựa chọn nhà thầu phụ... chưa hoàn thành. Tuy nhiên, một số thiết bị dù chưa đưa vào sử dụng đã hết bảo hành của nhà sản xuất. "Do đó, nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ sẽ tăng rủi ro liên quan tới chất lượng thiết bị đã hết bảo hành", Bộ Công Thương cho biết.
Chưa kể, nhiều cán bộ của tổng thầu PVC và chủ đầu tư có biểu hiện tâm lý, lo sợ rủi ro pháp lý nên xin chuyển công tác. Càng về sau, tổng thầu càng khó khăn trong đảm bảo, duy trì nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm quản lý tiến độ, đấu thầu, mua sắm.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, PVC làm tổng thầu EPC. Ảnh: H.Thu |
Những khó khăn của dự án này, theo Bộ Công Thương, chủ yếu xuất phát từ năng lực yếu kém (kinh nghiệm, tài chính...) của tổng thầu EPC - Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Bộ Công Thương nhận xét, việc PVN lựa chọn PVC làm tổng thầu EPC của dự án năm 2011 với giá trị 1,2 tỷ USD, tiến độ 39 tháng hoàn thành tổ máy 1 và 45 tháng tổ máy 2 là "thiếu khả thi trong bối cảnh đơn vị này chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu dự án nhà máy nhiệt điện than".
Khi triển khai, PVC dùng tiền tạm ứng dự án 1.080 tỷ vào mục đích khác đã ảnh hưởng đến nguồn lực triển khai dự án. Năng lực hạn chế của PVC cũng dẫn tới khó khăn hoặc không đảm bảo khả năng thanh toán, giải ngân cho các nhà thầu phụ.
Tổng thầu PVC không chủ động thu xếp đủ vốn để triển khai công việc, không đủ nguồn lực tài chính và thiếu hụt nguồn tiền thanh toán cho các nhà thầu phụ khác.
Ngoài ra, dự án cũng gặp khó khăn trong thu xếp vốn còn thiếu và số vốn vay nước ngoài chưa giải ngân được rất lớn, trong khi thời hạn giải ngân cuối cùng (ngày 28/9/2018) chưa được gia hạn. Trong số gần 940 triệu USD vốn vay đã ký với các đối tác nước ngoài, số vốn đã giải ngân hơn 432 triệu USD (khoảng 45%), còn trên 505 triệu chưa được giải ngân.
Theo tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 được phê duyệt, vốn còn thiếu khoảng 9.600 tỷ đồng. Đến cuối 2017, PVN phải dùng 21.577 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để giải ngân “cứu” dự án.
Vì thế, những khó khăn về đảm bảo dòng tiền cho dự án và vướng mắc trong lựa chọn nhà thầu (cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ) đã khiến dự án chậm tiến độ và nguy cơ này vẫn hiện hữu
Trước những khó khăn đó, với hợp đồng EPC với PVC, PVN đưa ra 3 phương án: tiếp tục triển khai hoặc chấm dứt hợp đồng, lựa chọn và ký kết hợp đồng mới với tổng thầu khác; hoặc cắt giảm công việc còn lại của PVC.
Tuy nhiên qua phân tích PVN cho rằng các phương án đều tiềm ẩn khó khăn và rủi ro. “Hiện tại phương án tiếp tục hợp đồng EPC với PVC là lựa chọn bắt buộc của chủ đầu tư”, PVN nêu quan điểm.
Trường hợp PVC tiếp tục là tổng thầu EPC dự án này, PVN kiến nghị cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành tổ máy 1 vào tháng 6/2019 và tổ máy 2 sau đó 3 tháng. Như vậy, dự án sẽ chậm tiến độ hoàn thành tổ máy 1 tới 45 tháng và 42 tháng với tổ máy 2 so với hợp đồng EPC đã ký năm 2011.
Bộ Công Thương nhận xét, nếu được điều chỉnh “dự án cũng khó hoàn thành vào năm 2019”, do gần một năm qua dự án này gần như không “nhúc nhích”.
“Do dự án bị chậm tiến độ nên việc PVN rà soát, cập nhật lại tiến độ là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định lại tiến độ hoàn thành không miễn trừ các nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư, PVC theo hợp đồng EPC đã ký và quy định pháp luật”, Bộ Công Thương nêu.
PVN cũng kiến nghị áp dụng giảm giá do chỉ định thầu 3-5% so với dự toán đã được phê duyệt năm 2010. Trong bối cảnh dự án kéo dài, nếu kiến nghị của PVN được giải quyết có thể tháo gỡ phần nào khó khăn cho tập đoàn này và dự án. Song Bộ Công Thương cho rằng, thời điểm hiện tại chưa phù hợp để xem xét kiến nghị này của PVN.
Trên cơ sở những kiến nghị của PVN, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh tiến độ vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong quy hoạch điện II điều chỉnh. Việc điều chỉnh tiến độ không miễn trừ trách nhiệm, nghĩa vụ các bên theo hợp đồng EPC đã ký và quy định pháp luật. Cụ thể, tổ máy 1 sẽ hoàn thành vào tháng 6/2019 và tháng 9/2019 hoàn thành tổ máy 2. Nếu được chấp thuận, đây là lần thứ hai dự án được điều chỉnh tiến độ.
Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương để PVC thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành lập dự toán chi phí quản lý tổng thầu theo tiến độ điều chỉnh, trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt để tháo gỡ thiếu hụt chi phí, duy trì và bổ sung đội ngũ nhân lực, giảm nguy cơ lỗ. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị chấp thuận chủ trương cho PVN được gia hạn khoản vay nước ngoài phù hợp với tiến độ hoàn thành dự án...
Nguyễn Hoài
No comments