Doanh nghiệp hết cảnh chạy chọt, ấm ức nhờ đấu thầu qua mạng
"Nhờ đấu thầu qua mạng mà công ty trúng được những gói thầu mà trước đây phải chật vật mới có được", ông Hà Tiến Lực - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện cơ Hà Nội (HEM) chia sẻ như vậy tại Diễn đàn đấu thầu qua mạng, ngày 8/8.
Lãnh đạo Điện cơ Hà Nội tính toán, sau 6 năm tham gia đấu thầu qua mạng, công ty tiết kiệm 3-5% chi phí các loại, nhiều nhất là chi phí in ấn, nhân lực... "Chúng tôi giảm được những gánh nặng không thể lượng hóa về vật chất. Không phải chạy chọt, lo lót, giải tỏa được những ấm ức khi làm sản phẩm tốt mà không cạnh tranh được với nhà thầu sân sau...", đại diện HEM chia sẻ.
Doanh nghiệp thực hiện các bước tạo lập hồ sơ trên hệ thống đấu thầu qua mạng. |
Những "gánh nặng khó lượng hóa" mà ông Lực nêu trên, theo lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), chính là những góc khuất của tình trạng "thông thầu", "quân xanh - quân đỏ"... trong hoạt động đấu thầu truyền thống. Hiện tỷ lệ tiết kiệm chi phí nhờ đấu thầu qua mạng theo thống kê là 9% so với 6% như đấu thầu qua hồ sơ giấy, nhưng quan trọng hơn là sự minh bạch, tính bình đẳng trong hoạt động này.
"Những hành vi hạn chế cạnh tranh như cài cắm hồ sơ, cố tình không bán hồ sơ thầu... đã được loại bỏ khi áp dụng đấu thầu qua mạng. Chúng tôi tin nếu hình thức đấu thầu này được áp dụng rộng rãi tại các đơn vị, tỉnh, thành... sẽ loại bỏ hoàn toàn hành vi thông thầu", ông Trương nói với VnExpress.
Cũng theo vị này, các quốc gia trên thế giới phát triển đấu thầu qua mạng thường trải qua 3 giai đoạn: khởi đầu, phát triển và chín muồi. Chúng ta đang có những gói thầu ở giai đoạn chín muồi nhưng cũng có những gói thầu mới khởi đầu. "Chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà thầu liệt kê các gói, hợp đồng trên hệ thống. Chủ đầu tư sẽ vào hệ thống để biết năng lực nhà thầu đến đâu mà không phải yêu cầu hồ sơ năng lực. Điều này giúp tiết kiệm chi phí rất lớn và tránh khai man năng lực", ông chia sẻ.
Thống kê của Trung tâm đấu thầu qua mạng cho thấy, số lượng gói trúng thầu tăng đều 3 năm qua. Năm 2016, tỷ lệ gói trúng thầu qua mạng là 5%, đã tăng lên 11% vào năm 2017 và 18% trong 7 tháng đầu năm nay với khoảng 8.900 gói thầu, trị giá 20.000 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2018 có khoảng 15.000 gói thầu thực hiện qua mạng.
Đấu thầu qua mạng hiện đã có hơn 23.000 chủ đầu tư đăng ký tham gia, tăng đáng so với năm 2009 - khi mạng đấu thầu qua mạng được thực hiện. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý đấu thầu nhìn nhận, hoạt động này đang gặp không ít trở ngại về hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật xử lý, năng lực cán bộ thực thi.
Về kỹ thuật, Việt Nam ứng dụng hệ thống đấu thầu qua mạng từ năm 2009 theo thiết kế của Hàn Quốc, hiện nay hệ thống này chỉ hoạt động trên nền tảng Internet Explorer mà không sử dụng được các trình duyệt mã nguồn mở khác. Tới đây hạn chế này sẽ được khắc phục khi đề án cải tiến hệ thống công nghệ đang được Bộ Kế hoạch triển khai dưới sự giúp đỡ của ADB, WB.
Ngoài ra, bình quân mới có 2,67 nhà thầu tham gia trên một gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng.
Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương cho rằng, hiện đấu thầu qua mạng dù đã có ưu điểm song nhận thức về vấn đề này còn hạn chế. Tính minh bạch cao song nhà thầu vẫn chưa thực sự tin tưởng hoặc chưa muốn đấu thầu qua mạng. "Ở đâu lãnh đạo quan tâm, muốn đấu thầu công khai, cạnh tranh thực sự thì kể cả giấy hay qua mạng đều đạt được mục đích, và ngược lại", ông nói, đồng thời cho biết tới đây cơ quan này sẽ công khai tổ chức, cá nhân không đấu thầu qua mạng.
Theo quyết định 1402/2016 của Thủ tướng, đến năm 2025, 100% các thông tin đấu thầu phải đăng tải công khai trên hệ thống; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên phải đấu thầu qua mạng và tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu phải thực hiện trên hệ thống đấu thầu quốc gia.
Khắc phục những hạn chế trong đấu thầu "online", theo Cục Quản lý đấu thầu, tới đây hệ sinh thái sẽ được tạo lập thông qua 3 trụ cột: tạo khuôn khổ pháp lý, sân chơi an toàn cho các chủ thầu, nhà thầu; thay đổi hệ thống công nghệ và nhận thức của đối tượng tham gia.
Anh Minh
No comments