Cư dân khu đô thị ở Hà Nội phải dùng nước bẩn suốt 4 năm
Cư dân tòa nhà HHB, CT2A-B nằm trong Khu đô thị mới Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội) vừa tổ chức căng băng rôn để phản ánh tình trạng hàng trăm hộ đang phải sử dụng nước sinh hoạt bẩn, không đảm bảo vệ sinh. Tình trạng này kéo dài từ khi dự án được bàn giao và đưa vào sử dụng năm 2014 đến nay. Đơn vị cấp nước duy nhất cho cư dân tại dự án hiện là Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ môi trường Việt Nam.
Phản ánh với VnExpress, đại diện cư dân cho biết, từ năm 2017, kết quả kiểm nghiệm do cư dân tự thực hiện cho thấy nước sinh hoạt mà người dân đang sử dụng có hàm lượng asen (hay còn gọi là thạch tín) cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Từ năm 2017, sau khi có kiến nghị của cư dân, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội (Sở Y tế TP Hà Nội) cũng đã tiến hành xem xét chất lượng nước sạch nhiễm asen và việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nước và đưa ra kết luận nguồn nước ăn uống, nước sinh hoạt tại khu đô thị có chỉ tiêu không đạt chuẩn.
Gần đây, cư dân Khu đô thị Tân Tây Đô căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư khắc phục việc cung cấp nước. Ảnh: NVCC |
Cư dân nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng “kêu cứu", căng băng rôn gây sức ép với chủ đầu tư nhưng mọi việc vẫn không được khắc phục. Bên cạnh chất lượng nước, cư dân cũng "tố" đồng hồ nước thiếu trung thực, cao hơn thực tế gấp 1,5 đến 2 lần. Hiện có hơn 1.000 hộ cư dân sinh sống tại hai tòa nhà.
UBND huyện Đan Phượng đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét xử lý trách nhiệm Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát, Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ & Môi trường Việt Nam và các đơn vị liên quan trong việc cung cấp nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng theo quy định. Đồng thời, chính quyền huyện cũng đề nghị UBND thành phố bổ sung địa bàn Khu đô thị Tân Tây Đô thuộc mạng lưới cấp nước sạch tập trung bằng nguồn nước sông Đà.
Trong khi đó, phản hồi về những nội dung nói trên, chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát khẳng định đã làm đúng vai trò và trách nhiệm của chủ đầu tư nhằm tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề nước sạch cho cư dân HHB và CT2A-B.
"Việc cư dân yêu cầu Hải Phát phải cung cấp nước sạch là không có căn cứ", thông tin từ phía chủ đầu tư nêu rõ và cho rằng trách nhiệm thuộc về đơn vị cung cấp nước là Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ & Môi trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, phía Hải Phát cho rằng việc cư dân treo băng rôn có như “Tân Tây Đô 5 năm dùng nước độc” là ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty khi vừa chính niêm yết trên sàn. Hải Phát còn cho biết sẽ có ý kiến với các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc cá nhân, tổ chức nào đứng ra thực hiện việc treo băng rôn quy mô lớn tại các tòa chung cư vừa qua.
Ngay sau sự việc cư dân căng băng rôn, UBND huyện Đan Phượng đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về việc cung cấp nước sạch tại Khu đô thị Tân Tây Đô. Cơ quan này cho biết, theo quyết định cho phép đầu tư dự án được chính quyền phê duyệt năm 2008, nguồn nước cấp cho đô thị lấy từ trạm cấp nước công suất 9.000 m3 mỗi ngày đêm đặt ở phía Đông thôn Hạnh Đản, sau sẽ bổ sung từ nguồn nước sông Đà. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, trạm cấp nước trên chưa được xây dựng.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án khu đô thị Tân Tây Đô, tháng 8/2010, UBND huyện đã có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường UBND TP Hà Nội xem xét đề nghị cấp phép chủ đầu tư được khai thác nước ngầm, xây dựng trạm xử lý nước sạch 1.200 m3 mỗi ngày đêm để phục vụ cho các hộ dân trong khu đô thị. Trạm cấp nước này do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép trong phạm vi diện tích đất được cấp.
Tuy nhiên, UBND huyện Đan Phượng cho biết trong thời gian cung cấp nước sinh hoạt cho Khu đô thị Tân Tây Đô, các ngành chức năng thành phố phối hợp với huyện nhiều kiểm tra chất lượng trạm cấp nước và khẳng định chất lượng nước không đảm bảo theo quy định. Cơ quan chức năng đã tiến hành cải tạo, sửa chữa nhưng đến nay chất lượng nước vẫn chưa khắc phục được.
Đến đầu tháng 6/2018, Sở Xây dựng đã có công văn đưa ra đề nghị các đơn vị liên quan liên hệ với Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội để nghiên cứu, thực hiện đầu tư bổ sung đấu nối nguồn cung cấp từ hệ thống mạng lưới cấp nước của đơn vị này nhưng đến nay các bên vẫn chưa thực hiện.
"Việc cấp nước sinh hoạt cho cư dân khu đô thị Tân Tây Đô thời gian qua không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành gây bức xúc cho cư dân nơi đây. Ban quản trị, cư dân và các cấp, các ngành đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫ không thể khắc phục được”, UBND huyện Đan Phượng nêu trong báo cáo.
Nguyễn Hà
No comments