Cán bộ quản lý thị trường phân tâm trước ngày lên Tổng cục - Bất Động Sản Sài Gòn

Breaking News

Cán bộ quản lý thị trường phân tâm trước ngày lên Tổng cục

"Phần lớn cán bộ quản lý thị trường quan tâm tới mô hình Tổng cục Quản lý thị trường và rất tâm tư, tôi cũng vậy", ông Cao Xuân Luật - Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh nói tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm ngành quản lý thị trường, chiều 2/8.

Ông Luật cho rằng, việc Thủ tướng sắp ký phê duyệt cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Quản lý thị trường là tin vui, nhưng "anh em cán bộ, công chức quản lý thị trường rất phân tâm, băn khoăn và trăn trở việc sáp nhập".

Lãnh đạo Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phân tích, mô hình quản lý thị trường khác với một số lực lượng thực thi kiểm tra khác, như hải quan. Cùng hoạt động tại địa bàn cửa khẩu nhưng lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn khi phải tới tận nơi để đấu tranh, kiểm tra sai phạm của doanh nghiệp.

"Tại địa phương, thuế và quản lý thị trường là lực lượng quyết định thu thuế doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh", ông cho biết.

Chưa kể, theo ông, khi thuộc địa phương, lực lượng quản lý thị trường nhận được nhiều sự quan tâm về cơ sở vật chất, hỗ trợ về nguồn lực.

Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng hoá vi phạm tại một cửa hàng kinh doanh gas. Ảnh: QLTT

Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng hoá vi phạm tại một cửa hàng kinh doanh gas. Ảnh: QLTT

Chia sẻ tâm tư này, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải trấn an, mục đích cơ cấu, tổ chức lại bộ máy quản lý thị trường không gì khác là tăng cường chức năng phối hợp, làm tốt hơn, hiệu quả công tác chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. 

Một lần nữa khẳng định không phải “nâng cơ học” từ Cục Quản lý thị trường lên Tổng cục, từ Chi cục lên Cục, ông Hải bày tỏ mong muốn "từ nay tới khi văn bản được Thủ tướng ký, ban hành và sau này cán bộ, thành viên của lực lượng quản lý thị trường phải nỗ lực làm tốt nhất công việc của mình".

Sau một năm xây dựng, giải trình về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ Tổng cục Quản lý thị trường, hiện cơ bản đề án này đã “hoàn thành 99,9%”. Đầu tuần này, Bộ Công Thương đã gửi bản đề án cuối cùng lên Thủ tướng chờ phê duyệt.

Theo đề xuất sắp xếp bộ máy quản lý thị trường của Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường sẽ được nâng cấp lên Tổng cục, giảm 305 đội và sắp xếp lại 25 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh. Riêng năm 2019, mục tiêu kiện toàn 38 cơ quan quản lý thị trường cấp tỉnh thành 19 cơ quan liên tỉnh, thành phố. 

Tại Trung ương, cơ cấu lực lượng quản lý thị trường sau khi lên Tổng cục sẽ gồm 6 đơn vị, trong đó có văn phòng Tổng cục, 4 vụ và Cục nghiệp vụ quản lý thị trường. 

Cũng tại hội nghị sơ kết, ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, không còn công khai như trước nhưng tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu tại địa bàn các tỉnh biên giới. Hàng hoá vi phạm chủ yếu là rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, thực phẩm...

"Phương thức hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi hơn, như vận chuyển hàng hoá trên ôtô cá nhân, thiết kế hầm bí mật trên xe, nguỵ trang hàng lậu, hàng cấm lẫn với hàng hoá khác; hoặc chia nhỏ để vận chuyển nhiều lần, thường xuyên thay đổi tuyến đường, địa bàn hoạt động", Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nêu. 

Thủ đoạn gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hàng hoá đòi hỏi công nghệ cao, khó gia công thường được đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ được sản xuất, gia công trong nước tại các khu công nghiệp, làng nghề... sau đó trà trộn với hàng thật đưa về vùng sâu, vùng xa, nông thôn tiêu thụ.

"Quản lý thị trường kiểm tra thường xuyên nhưng các loại hàng này thường chất lượng không cao, giá thành rẻ, gia công với chi phí thấp nên tình trạng trên chưa ngăn chặn được triệt để", ông Ngọc nêu. 

Ngoài ra, cũng có hiện tượng một số hàng hoá có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng bày bán công khai nhưng khó xử lý vì không được tích cực hợp tác. Hoạt động buôn bán qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Sáu tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 79.280 vụ, phát hiện và xử lý trên 52.140 vụ với tổng số tiền nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng. Trong đó, quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện 2.342 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt 8,9 tỷ đồng và tịch thu 390.000 bao thuốc lá các loại.

Quản lý thị trường đã tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 13 cửa hàng xăng dầu vi phạm, đình chỉ hoạt động 10 cửa hàng; xử phạt hành chính hơn 5,1 tỷ đồng.

 Nguyễn Hoài

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat