Việt Nam ra sao nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang? - Bất Động Sản Sài Gòn

Breaking News

Việt Nam ra sao nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang?

"Nó đã nằm ngoài dự kiến của chúng ta", ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển và Giảng viên Trường Fulbright, bình luận về diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, Việt Nam và thế giới quan tâm Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tỷ giá thế nào. Còn nhắc đến chiến tranh thương mại, đa phần nghĩ rằng sẽ dừng ở mức hăm dọa. Nhiều chuyên gia tiên đoán, Mỹ, Trung Quốc, EU cuối cùng sẽ ngồi lại với nhau.

Thế nhưng, đầu tháng 7, Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc. Chiến tranh thương mại chính thức bùng nổ.

Hiện chưa tác động đáng kể

"Nếu chỉ nhìn vào 34 tỷ USD thì tác động thương mại không nhiều, chủ yếu áp vào máy móc, thiết bị cơ khí, điện tử. Những mặt hàng tương đương của Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ 1,2 tỷ USD, không đáng là bao", ông Thành nhận xét.

Một nhân viên ngân hàng đếm tiền USD tại Hà Nội. Ảnh: Reuters

Một nhân viên ngân hàng đếm tiền USD tại Hà Nội. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, quyết định của Mỹ cũng đã làm các nhà đầu tư tháo chạy khỏi đồng nhân dân tệ. Đồng tiền này mất giá nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố không can thiệp. Nhiều suy đoán cho rằng, Trung Quốc chủ động để xuống giá đồng tiền, nhằm trung hòa lại tác động từ thuế của Mỹ.

Vốn có kinh nghiệm ứng phó từ vụ phá giá sâu nhân dân tệ của Trung Quốc vào giai đoạn tháng 9-10/2016, tỷ giá VND và USD đã được điều chỉnh 1% cách đây ít hôm.

"Tuần vừa rồi, việc điều chỉnh tỷ giá rất hợp lý. Thay vì chờ áp lực lên quá cao mới điều chỉnh thì thực tế trong vài ngày vừa qua, tâm lý thị trường ổn định nhiều", ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam bình luận về động thái của Ngân hàng Nhà nước.

Còn ông Thành cho rẳng, ảnh hưởng của việc nhân dân tệ xuống giá có thể kiểm soát được bằng cách điều chỉnh nhip nhàng. Ông nói có thể để VND xuống giá theo tình hình nhưng không để VND lên giá so với đồng nhân tệ quá mức 5%. Nếu đồng nhân dân tệ xuống giá với USD 8% thì VND xuống giá so với USD 3%. Đây là kịch bản an toàn vì nếu lớn hơn sẽ chịu sức ép cạnh tranh với hàng Trung Quốc rất mạnh.

Đồng quan điểm, ông Hải cho rằng, kể cả việc nhân dân tệ còn tiếp tục mất giá thì thị trường tài chính vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định.

"Chúng ta phải nhìn nhận rằng nền kinh tế Việt Nam dù là nền kinh tế thị trường nhưng vẫn có sự kiểm soát của nhà nước. Chắc chắn chúng ta không chấp nhận sự biến động quá mạnh trên thị trường. Chúng ta đã bỏ ra công sức nhiều năm nay để xây dựng niềm tin vào tiền đồng. Do đó, tôi nghĩ sẽ không có tình trạng để cho tiền đồng phá giá mức 5-10%", ông Hải nói.

Đồng thời, chuyên gia này dự báo Trung Quốc cũng sẽ không để nhân dân tệ mất quá sâu (hơn 10% so với USD). Nguyên nhân là do 80% tăng trưởng của Trung Quốc hiện giờ đã đến từ kích cầu nội địa. Do đó, bản thân nước này nhận ra rằng, việc phá giá đồng nhân dân tệ không mang lại lợi ích cuối cùng.  

Nguy cơ lớn nếu căng thẳng leo thang

"Vì nước Mỹ là trên hết, ông Trump không chỉ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà là với tất cả", một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam bình luận. Điều này có nghĩa, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn leo thang và xung đột có thể lan rộng.

"Nếu chỉ dừng lại ở mức độ hiện nay thì tác động sẽ không lớn với nền kinh tế Việt Nam. Nhưng nếu tiếp tục leo thang sẽ vô cùng lớn. Điều này có nghĩa là sự đổi chiều trong xu hướng đầu tư thương mại quốc tế", ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận định.

Sự đổi chiều này bao gồm nhà đầu tư Mỹ quay về nước và hàng Trung Quốc sẽ tràn sang các thị trường khác. Vấn đề ở chỗ, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

"Hàng Trung Quốc mà không xuất khẩu được qua Mỹ thì họ sẽ đẩy qua Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.Cùng với trào lưu đổi mới công nghệ, làn sóng sản phẩm thiết bị công nghệ bậc thấp của Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam", ông Lộc cảnh báo.

Bên trong một nhà máy dệt bao bì công nghiệp. Ảnh: N.B. Thảo

Bên trong một nhà máy dệt bao bì công nghiệp. Ảnh: N.B. Thảo

Tuy nhiên, theo ông Lộc, đáng lo hơn cả là sẽ có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy hàng sang Việt Nam để từ đó đưa qua Mỹ. Đây là giai đoạn đòi hỏi quản lý rất chặt chẽ của nhà nước để ngăn chặn những gian lận thương mại như thế này.

Hiện, 34 tỷ USD của Mỹ đang áp lên 818 dòng hàng của Trung Quốc. Nước này cũng đã thông báo quyết định áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và đang chờ đóng góp ý kiến trong 2 tháng.

200 tỷ USD này áp thêm gần 5.900 dòng hàng của Trung Quốc. Thậm chí, ông Trump còn dọa kế hoạch áp thuế tất cả mặt hàng, tức 500 tỷ USD hàng nhập của Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm.

Ông Thành cho biết, đáng chú ý trong gói 200 tỷ USD là các mặt hàng đồ nội thất, nông sản và thủy sản. "Những mặt hàng này của Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Nhưng vấn đề là hàng Trung Quốc không vào được Mỹ thì nó sẽ sang các nước khác, làm tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam", ông Thành phân tích.

Điều này có nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước 3 nguy cơ, gồm: áp lực cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên sân nhà, áp lực chi phí sản xuất khi tỷ giá biến động và mất thị trường Trung Quốc với vai trò cung ứng nguyên phụ liệu cho nước này sản xuất thành phẩm để đưa sang Mỹ.

Vẫn có những cơ hội

"Trong nguy thì có cơ", theo ông Vũ Tiến Lộc, chiến tranh thương mại là lúc thị trường thế giới được sắp xếp lại. Khi đó, sẽ xuất hiện những cơ hội mới, những ngách của thị trường.

"Nó tùy thuộc vào nội lực của chúng ta. Phải có nỗ lực từ hai phía, chính phủ và doanh nghiệp. Trước hết là doanh nghiệp tư nhân, nếu kịp thích ứng và đưa ra giải pháp trong bối cảnh thị trường thế giới đang được sắp xếp lại", ông Lộc nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, bất ổn hiện nay chính là lúc có nhiều cơ hội. Tình hình này buộc doanh nghiệp phải cải cách và làm nhanh hơn.

"Chúng ta có sợ thách thức, khủng hoảng từ chiến tranh thương mại không? Tất nhiên phải sợ rồi? Nhưng chính thời điểm này mới là lúc có khả năng phát sinh ra các cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân năng động. Đây là thời điểm có thể sắp xếp lại thị trường và thứ hạng", bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air bình luận.

Ông Lộc đưa ra 4 giải pháp cho tình hình hiện tại, bao gồm: cải cách thể chế, nâng cấp doanh nghiệp, quốc tế hóa các doanh nghiệp SME, chuẩn bị khả năng ứng phó với những thay đổi.

Chuyên gia kinh tế của Trường Fulbright cũng đồng quan điểm. "Hãy nhìn và đi theo thị trường. Phải chuẩn bị sự chịu đựng và xây dựng năng lực quản lý tốt rủi ro", ông nêu khuyến nghị với doanh nghiệp.

*Kịch bản chung của một cuộc chiến tranh thương mại

'Kịch bản chung' của một cuộc chiến tranh thương mại

Viễn Thông

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat