Trung Quốc khó vũ khí hóa nhân dân tệ để đối đầu Mỹ
NDT vừa lập đáy 13 tháng mới so với USD, do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng tỷ giá tham chiếu và thị trường dự báo tiền tệ này tiếp tục giảm sâu vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tỷ giá tham chiếu hôm nay là 6,8131 NDT đổi một USD. Trên thị trường giao ngay, giá NDT tại Trung Quốc có lúc xuống 6,8401 mỗi USD, thấp nhất từ tháng 6/2017.
3 tháng qua, NDT đã mất giá 7,7% so với đôla Mỹ, chủ yếu trong vài tuần gần đây, kể từ khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên 1.100 hàng hóa Trung Quốc. Diễn biến này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại Bắc Kinh cố tình hạ giá NDT để tăng lợi thế thương mại, và bù đắp thiệt hại kinh tế do thuế nhập khẩu mới của Mỹ. Chiến tranh thương mại vì thế có thể biến thành chiến tranh tiền tệ.
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Ảnh: Kyodo |
Ông Trump từng viết trên Twitter rằng: “Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác đang thao túng nội tệ và lãi suất”. Khi được hỏi về việc NDT giảm giá, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin cũng nhận định: “Nội tệ yếu đi đã giúp họ có lợi thế một cách không công bằng. Chúng tôi đang đánh giá kỹ liệu họ có thao túng tiền tệ không”.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng tuy cố tình hạ giá nội tệ có thể giảm thiểu phần nào ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu của Mỹ, nó cũng là động thái rất nguy hiểm. Nếu nhà đầu tư ngoại cho rằng giới chức đang ghìm giá NDT, và đồng tiền này sẽ còn giảm sâu, họ sẽ bắt đầu rút tiền khỏi Trung Quốc.
Trong 12 tháng, tính đến hết tháng 4, nhà đầu tư ngoại đã rót 100 tỷ USD vào trái phiếu mới phát hành Trung Quốc. Lý do rất đơn giản, đó là lãi suất. Năm qua, lãi suất trung bình trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm là 3,75%. Con số này khá cao so với 2,6% của Mỹ và 0,5% tại Đức.
Trong thời kỳ lãi suất thấp, thậm chí là âm, trái phiếu Trung Quốc là một món hời với các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, họ đổ tiền vào đây vì tin rằng các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa “giữ NDT cơ bản ổn định”. Vì thế, miễn là đồng tiền này vẫn ổn định, nhà đầu tư ngoại hoàn toàn có lý do tin tưởng vào lợi nhuận trong tương lai.
Ngược lại, nếu dự báo giá NDT giảm sâu, họ sẽ nhanh chóng rút chân, bán trái phiếu, chuyển phần tiền thu được sang USD. Việc này sẽ càng gây sức ép lên NDT. Không chỉ nhà đầu tư ngoại, người gửi tiền và các công ty Trung Quốc cũng sẽ gia nhập làn sóng này. Khi NDT yếu đi, họ sẽ cho rằng tài sản của mình an toàn hơn nếu gửi ở nước ngoài, bằng tiền tệ mạnh hơn.
Kết quả là dòng vốn rút ra có thể lớn tương đương đợt Bắc Kinh hạ giá nội tệ năm 2015. Sự việc này đã khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bốc hơi tới 1.000 tỷ USD
Nếu cố tình hạ giá nội tệ, Trung Quốc sẽ khiến cả họ và các nước châu Á chịu thiệt. Dòng vốn lớn chạy khỏi Trung Quốc sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng niềm tin vào hệ thống tài chính nước này, trong bối cảnh họ đang chịu sức ép vì khối nợ tương đương 250% GDP.
Còn với các nước khác, NDT yếu đi sẽ khiến khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở nước ngoài. Hàng hóa của họ cũng khó tiếp cận thị trường này.
Rất có thể, chính phủ các nước này còn bị đẩy vào tình thế không còn lựa chọn nào khác để duy trì cạnh tranh ngoài việc can thiệp để đẩy giá nội tệ xuống. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ khiến chính họ gặp rắc rối.
Vài năm gần đây, rất nhiều công ty trong khu vực đã tận dụng lãi suất Mỹ thấp để vay bằng USD. Vì vậy, nếu các nước châu Á hạ giá nội tệ, chi phí thanh toán các khoản nợ bằng đôla Mỹ sẽ cao lên, đẩy nhiều công ty vào tình trạng vỡ nợ. Indonesia và Malaysia có thể là những nước dễ tổn thương nhất trong khu vực.
Giới phân tích cho rằng nếu Trung Quốc thực sự muốn mở rộng cuộc chiến kinh tế với Mỹ sang chiến tranh tiền tệ, một số quốc gia trong khu vực sẽ bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng. Dĩ nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ phải tạm biệt tham vọng biến NDT thành đồng tiền dự trữ và giao thương tại châu Á.
Tất cả những lý do trên khiến các chuyên gia cho rằng Trung Quốc thực sự khó có thể cố tình hạ giá NDT để làm vũ khí trong xung đột thương mại với Mỹ. Vài tháng qua, NDT đúng là đã mất giá so với USD. Tuy nhiên, phần lớn mức giảm này là để bắt kịp diễn biến thị trường.
Trong quý II, USD đã tăng giá tới 7% so với rổ tiền tệ của các nước phát triển, gồm euro và yen. Đà giảm giá của NDT gần đây đã giúp tiền tệ này điều chỉnh theo diễn biến mới.
Trên CNBC, James Daniel - quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách thị trường Trung Quốc cũng cho rằng NDT “vẫn được định giá hợp lý”, sau khi liên tục tăng giai đoạn tháng 2 - tháng 5. “Biến động này không lớn so với các thị trường mới nổi. Nó chỉ đưa giá NDT về thời điểm đầu năm nay và bằng trung bình năm ngoái”, ông nhận định.
Giới chức Trung Quốc vẫn chưa can thiệp chặn lại đà giảm của NDT. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa họ muốn nội tệ giảm sâu để phản công lại thuế nhập khẩu của Mỹ. Với những rủi ro mà động thái này có thể mang lại, cho cả chính họ và khu vực, Trung Quốc có khả năng cao sẽ can thiệp nếu NDT có dấu hiệu giảm ngoài tầm kiểm soát. Khi đó, chiến tranh tiền tệ mà tất cả đều lo sợ sẽ chấm dứt trước khi nó bắt đầu.
Hà Thu (theo SCMP/Reuters)
No comments