Nhiều dự án cất cánh với sự bảo trợ của Quỹ Cộng Đồng Aviva
Nhờ kinh phí và hỗ trợ từ Quỹ Cộng Đồng Aviva, các dự án ở nhiều lĩnh vực có thể đi vào thực tiễn và giúp đỡ được nhiều người.
Giúp trẻ em tự bảo vệ mình
Nhiều năm trước, khi xem bộ phim điện ảnh Hàn Quốc "Hope" kể về vụ án một cô bé bị ấu dâm lấy cốt truyện từ thực tế khiến chị Hồ Thúy Trinh phẫn nộ. Những thông tin về việc trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng nhiều khiến nữ giảng viên đại học tại TP HCM quyết định không thể ngồi yên. Chị thầm nghĩ, trẻ em còn quá nhỏ nên không thể nhận biết được đâu là xâm hại và nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều đó với ý đồ không trong sáng.
Khi chị trao đổi cùng các sinh viên của mình, nhiều bạn đề xuất làm sao xây dựng một chương trình giúp các em nhỏ nhận biết dấu hiệu bị xâm hại và làm cách nào để tránh các trường hợp ấy. Đó là những ngày mùa hè năm ngoái, khi cô trò ngồi lại với nhau và hình thành sơ lược ý tưởng cho dự án "Xâm hại trẻ em - Phẫn nộ và Hành động". Họ muốn tổ chức các buổi tập huấn, sinh hoạt tại các trường học, giáo dục giới tính, kỹ năng tự vệ cho các bé. Từ đó hình thành ý thức bảo vệ bản thân ngay từ khi còn nhỏ cho các em, đồng thời hướng dẫn phụ huynh cách bảo vệ con trước những đe dọa bên ngoài.
Dù ý tưởng đã có nhưng chị Trinh và cộng sự vẫn đứng trước nhiều thách thức để hiện thực hóa dự án. Đối tượng chính là trẻ em chứ không phải thiếu niên, thanh niên nên chương trình phải được xây dựng gần gũi, dễ tiếp nhận để các em hiểu và có thể ứng dụng trong thực tế. Vì thế, chị đã mời một chuyên viên tâm lý tham vấn, hỗ trợ nhằm giúp các bé không bị sốc tâm lý khi theo dõi chương trình.
Cụ thể, các thành viên của dự án thực hiện những bảng điện tử để các bé tham gia các trò chơi nhận dạng nên hay không nên với từng trường hợp cụ thể hay các trò chơi vận động cho bóng vào rổ thích hợp, trò chơi vận động cho các em hứng thú như hình ảnh này nên cho vào rổ nào hay những trò chơi nhận dạng, bàn luận về các chủ đề.
![]() |
Lễ giới thiệu Quỹ Cộng Đồng Aviva diễn ra vào đầu tháng 5. Ảnh: Hữu Khoa. |
Khó khăn thứ hai là về mặt kinh phí bởi quỹ đoàn của trường chỉ ở một hạn mức nhất định, trong khi sinh viên không có quá nhiều điều kiện để đóng góp. "Một năm các em sinh viên tham gia rất nhiều chương trình vì cộng đồng, thiện nguyện, nay phải đóng góp thêm nữa thì có thể sẽ trở thành một gánh nặng", chị cho biết. Trong lúc đang loay hoay tìm nguồn tài chính cho chương trình, chị Trinh biết đến cuộc thi do Quỹ Cộng Đồng Aviva phát động.
Với số tiền tài trợ 1.000 USD từ Quỹ Cộng Đồng Aviva, chị Trinh và các sinh viên của mình bắt tay vào thực hiện chương trình. Dự án sẽ tổ chức bốn hoạt động tại ít nhất bốn trường ở các khu vực vùng sâu vùng xa. "Các trường rất hưởng ứng khi chúng tôi liên hệ. Nếu còn kinh phí thì chúng tôi sẽ làm tiếp ở những khu vực khác", chị cho biết.
Theo nữ giảng viên, Quỹ Cộng Đồng Aviva không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà còn cắt cử nhân viên đến giúp nhóm thực hiện chương trình. Chị đánh giá việc công ty bảo hiểm Aviva xây dựng quỹ và hỗ trợ các chương trình vì cộng đồng là hành động ý nghĩa.
"Thật ra ai cũng có tinh thần thiện nguyện nhưng nếu muốn thực hiện một chuỗi dài thì cần nhiều yếu tố, nhất là khi dự án của chúng tôi do các em sinh viên đảm trách là chủ yếu. Nhờ có Quỹ Cộng Đồng Aviva mà dự án của chúng tôi đã trở thành hiện thực", chị nói.
Cửa hàng "0 đồng" cho người nghèo
Tổ chức từ thiện xã hội Open Group bắt đầu thực hiện những hoạt đồng hỗ trợ cộng đồng từ năm 2008 đến nay. Anh Phan Thanh Nhàn, Giám đốc tổ chức cho biết tâm niệm của các thành viên là làm điều gì đó có thể thay đổi, nâng cấp cuộc sống của chính bản thân mình và những người xung quanh. Họ nhận thấy con người có ba nhu cầu căn bản là ăn, mặc và ở. Trong đó, nhiều tổ chức hỗ trợ vấn đề ăn uống, còn nơi ở và quần áo thì ít hơn nên đã hình thành dự án "Nhà tạm lánh" và "Cửa hàng cơ hội thứ hai". Trong đó, dự án thứ hai nhận được hỗ trợ 1.000 USD từ Quỹ Cộng Đồng Aviva.
Với phương châm dùng nguồn lực địa phương để giúp đỡ người địa phương, dự án lập ra các địa điểm khắp nơi như Đắk Lắk, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, TP HCM, Vĩnh Long... với khẩu hiệu "Ai thừa mang đến, Ai cần mang đi". Chương trình đón nhận tất cả đồ mới lẫn cũ sau đó phân loại và mang đến cho những người thật sự cần chúng.
Ban đầu anh Nhàn và cộng sự lo sợ dự án không thành công và khó tìm được nguồn cung quần áo cũ. Tuy nhiên, những tủ quần áo và cửa hàng 0 đồng đầu tiên đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Đến nay, ước tính mỗi tháng có khoảng 4-5 tấn quần áo cũ tập trung về kho tại Củ Chi, TP HCM, sau đó chuyển đến các cửa hàng cơ hội thứ hai trên khắp Việt Nam.
![]() |
Các tình nguyện viên chuyển quần áo cũ lên xe để vận chuyển đến các cửa hàng cơ hội thứ hai trên khắp Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Thách thức của dự án là chi phí vận chuyển, vật tư, văn phòng phẩm, nhân sự, hỗ trợ xăng xe cho tình nguyện viên...Ước tính mỗi tháng nhóm mất hơn 20 triệu đồng cho phí vận chuyển. Tiếp đến là yếu tố thời tiết, nắng mưa thất thường khiến khó khăn trong việc lưu trữ số lượng lớn quần áo cũ.
Theo kế hoạch, trong năm nay dự án sẽ đưa thêm nhiều cửa hàng về các tỉnh miền Tây. Anh Nhàn cho biết Quỹ Cộng Đồng Aviva cũng giúp anh và cộng sự kết nối với nhiều đối tác, đưa thông tin dự án lên mạng xã hội, nhờ đó có nhiều nguồn quần áo từ cộng đồng.
Hỗ trợ dịch tài liệu tiếng Anh chuyên ngành
Năm ngoái, trong thời gian ôn thi đại học, Vũ Thị Mai Hương phát hiện có nhiều từ vựng tiếng Anh chuyên ngành không thể được dịch sát nghĩa qua Google Dịch hoặc các ứng dụng trên mạng. Khi hoàn tất các buổi thi, cô học trò mày mò nghĩ ra ý tưởng xây dựng ứng dụng dịch tài liệu tiếng Anh. Cụ thể, cô muốn liên kết với các bản PDF của các cuốn sách nước ngoài phiên bản tiếng Anh và sau đó dịch tự động phụ thuộc vào chuyên ngành người dùng chọn như kinh tế, y khoa, nghệ thuật, kiến trúc, kỹ thuật, công nghệ, môi trường...
Tuy nhiên, Hương nghĩ để phát triển ứng dụng thì cần phải có kinh phí và muốn có nhiều người dùng cũng phải cần truyền thông, quảng bá thông qua nhiều kênh. Điều này còn khá xa vời với một học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba. Đến khi trở thành sinh viên năm nhất khoa Marketing trường Đại học Kinh tế, TP HCM, Hương biết đến Quỹ Cộng Đồng Aviva, gửi ý tưởng dự án và nhận được mức hỗ trợ 1.000 USD. Với số tiền này, cô thuê người quen phát triển App và soạn nội dung với sự hỗ trợ của một số giảng viên, người có chuyên môn cao trong các lĩnh vực và người nước ngoài.
![]() |
MC Phan Anh là đại sứ của Quỹ Cộng Đồng Aviva. Ảnh: Hữu Khoa. |
Nữ sinh kỳ vọng cuối năm nay có thể ra mắt ứng dụng, trở thành một công cụ được nhiều sinh viên đón nhận. "Tôi hy vọng mỗi khi gặp khó khăn về tiếng Anh thì ứng dụng sẽ là ưu tiên hàng đầu của các bạn trong tìm tài liệu, nhất là tiếng Anh chuyên ngành", Hương chia sẻ.
Người dùng sẽ không mất phí sử dụng khi tra cứu thông thường và chỉ phải chi trả với giá trị các quyển sách cần dịch thuật nhưng được kèm theo bản mp3 với tùy chọn mức độ nhanh chậm, tiếng Anh kiểu Mỹ hoặc Anh.
Hương không gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian theo đuổi dự án riêng bên cạnh việc học tập ở trường. Theo cô, nội dung của dự án cũng song hành với các chương trình học nên hai mảng bổ trợ qua lại cho nhau. Hiện cô đã soạn được hơn 100.000 từ vựng và kỳ vọng sẽ có ít nhất 200-300 người dùng khi ra mắt ứng dụng vào cuối năm nay.
Trương Sanh
Chương trình Quỹ Cộng Đồng Aviva tại Việt Nam hướng tới kêu gọi và tài trợ cho các dự án từ cá nhân, tổ chức, mang lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng ở ba lĩnh vực là môi trường, giáo dục và sức khỏe cộng đồng. Đối tượng tham gia mở rộng đối với toàn thể công dân Việt Nam trên 18 tuổi.
Thời gian nhận dự án từ 2/5-18/6. Kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào 26/9.
Thông tin chi tiết chương trình tại đây
No comments