MSB sớm chủ động đáp ứng tiêu chuẩn Basel II
Ngân hàng tập trung cho khối bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa tỷ lệ an toàn vốn CAR lên mức 9%.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là một trong số nhà băng đầu tiên bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn Basel II kể từ ngày 1/7 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc MSB cho biết từ trước đó ngân hàng đã nỗ lực thay đổi để đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn Basel II.
Ông Huỳnh Bửu Quang - Tổng Giám đốc MSB. |
- MSB đã có những bước chuẩn bị như thế nào khi được lựa chọn thí điểm Basel II thưa ông?
- Năm 2014, MSB được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là một trong 10 ngân hàng đầu tiên thí điểm Basel II. Ngay đầu năm 2015, chúng tôi thành lập ban chỉ đạo đề án Basel II, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trực tiếp đứng đầu để triển khai.
Tuy vậy, Basel II là thách thức với thị trường Việt Nam, vì nó còn khá mới mẻ. Những khái niệm yêu cầu về thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu lần đầu nhiều người nghe thấy.
Chúng tôi ý thức rõ những khó khăn. Bản thân tôi từng trải qua giai đoạn triển khai Basel II với HSBC tại Hồng Kong, khi làm công tác quản trị rủi ro. Lợi thế của MSB là có đội ngũ mạnh, rất chủ động tìm tòi học hỏi. Do đó, MSB không đi theo con đường tư vấn, mà tự nỗ lực chủ động cả quá trình.
Đến 2016, MSB triển khai thành công hệ thống tự động tính toán trên nền cơ sở dữ liệu với mức đầu tư công nghệ lớn. Sau khi hệ thống tự động tính toán hoàn thiện, ngân hàng bắt đầu kiểm toán số liệu từ 2017 để đảm bảo tính chính xác.
Thời điểm quý 3/2018 là dấu mốc cho kế hoạch áp dụng chuẩn Basel II gần như hoàn thiện, nộp lên Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, MSB nhiều lần thí điểm nội bộ Basel II song song với chuẩn mực hiện hành để kiểm tra tỷ lệ an toàn vốn.
- Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) có vai trò ra sao khi ngân hàng áp dụng Basel II?
- CAR là yếu tố tiên quyết. Bởi ngoài các phương pháp, quy trình, nền tảng đáp ứng Basel II còn đòi hỏi năng lực đủ vốn của các ngân hàng thương mại.
Chính sách quản trị rủi ro của chúng tôi luôn duy trì một bảng cân đối có độ thanh khoản cao và cơ cấu vốn rất mạnh. Bộ đệm về vốn mạnh, nên khi áp từ Basel I sang Basel II, tỷ lệ CAR giảm xuống nhưng vẫn vượt trên yêu cầu đưa ra. MSB đạt trên 9% trong khi yêu cầu là 8%.
MSB tập trung vào những cơ cấu tài sản có hệ số rủi ro thấp hơn, đảm bảo cho tính an toàn hoạt động của ngân hàng nhưng vẫn tạo hiệu quả hợp lý.
Đạt chuẩn Basel II giúp MSB là ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và minh bạch theo chuẩn quốc tế. |
- Với khách hàng và đối tác của MBS thì Basel II mang lại những lợi ích gì ?
- Basel II là một chuẩn mực, chứng nhận đảm bảo một tổ chức tín dụng hoạt động với một tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Như vậy uy tín của tổ chức đó tăng lên. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ đặc biệt quan tâm đến điểm này, vì đó là mức độ và cấp độ tuân thủ trong hoạt động. Giống như niềm tin.
Với khách hàng cá nhân, niềm tin đó cũng khẳng định khi họ giao dịch với một ngân hàng thực hiện và đảm bảo tốt chuẩn mực an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.
MSB đã phát triển mô hình quản trị rủi ro dựa trên phân tích nâng cao từ cơ sở dữ liệu lớn, giúp ngân hàng đưa ra quyết định chủ động, khách hàng được phản hồi kịp thời, nhanh chóng.
Từ cuối năm 2018, MSB tiên phong và triển khai thành công giai đoạn đầu việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc tìm kiếm và đánh giá khách hàng tiềm năng cho sản phẩm thẻ tín dụng mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm tốt.
- Chiếc lược kinh doanh của MSB thay đổi ra sao trước và sau khi đạt chuẩn Basel II?
- Từ năm 2015, MSB chủ động thay đổi chiến lược. Đó là giai đoạn ngân hàng chuyển đổi và phải mất một thời gian để có những kết quả mà bên ngoài mới nhìn thấy được. Nó phải chuyển hóa từ bên trong ra bên ngoài.
Trước đây MSB tập trung nhiều cho mảng bán sỉ, nhưng từ 2015 trở đi chú trọng hơn cho bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào ngân hàng giao dịch. Những phân khúc mới làm tốc độ tăng trưởng chậm, vì mình đi "lượm bạc lẻ", với những khách hàng nhỏ, chứ không theo đuổi những khoản vay lớn hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng.
MBS tăng nhận diện thương hiệu, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. |
Trong bốn năm qua MSB cũng đầu tư nhiều cho hoạt động, đặc biệt về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Cho đến cuối 2018, MSB bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh về bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô bắt đầu tương đối lớn. Ban đầu chuyển đổi chiến lược nên sẽ chậm hơn. Sau đó với cơ sở và nền tảng ổn định rồi thì tăng trưởng thể hiện rõ, cộng hưởng giữa khách hàng tích lũy và khách hàng phát triển mới. Còn giai đoạn gần đây, ngân hàng xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng và có ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận.
Các hệ thống công nghệ tập trung đầu tư thời gian qua đưa vào triển khai cũng bắt đầu phát huy tác dụng. Hoạt động xử lý nợ xấu đã xử lý được nhiều khoản, nhất là sau khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng nói chung.
MSB tập trung nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, xây dựng và phát triển thương hiệu, chất lượng dịch vụ tăng lên và tỷ lệ hài lòng của khách hàng tăng lên và họ giới thiệu thêm khách hàng mới. Nhận diện thương hiệu MBS tăng lên rõ rệt, đặc biệt là tại địa bàn TP HCM và khu vực phía Nam. Những thay đổi đó là tổng hòa các yếu tố thúc đẩy giúp hoạt động của MSB khởi sắc.
Thành Dương
No comments