Chương trình đào tạo nhà nông góp phần nâng chất lượng nông sản xuất khẩu
Chương trình đào tạo Bayer Agricademy giúp 400 nông dân trồng bưởi, sầu riêng và cà phê trở thành chuyên gia canh tác.
Từ 7-22/6, 400 nông dân tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long sẽ tham gia 7 lớp học, trong đó có 2 lớp về cây bưởi, 2 lớp về cây sầu riêng và 3 lớp về tái canh cà phê. Các buổi học nằm trong khuôn khổ chương trình đào tạo nâng cao Bayer Agricademy. Mục tiêu giúp mỗi nhà nông trở thành một chuyên gia canh tác, góp phần đưa trái cây Việt đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, hỗ trợ mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu nông nghiệp.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, xuất khẩu trái cây đã có bước tăng trưởng nhảy vọt. Nếu trong năm 2012, xuất khẩu rau quả và trái cây của Việt Nam chỉ đạt khoảng 800 triệu USD, thì đến năm 2016, con số này tăng lên 2,4 tỷ USD, năm 2017 là 3,4 tỷ USD và trong năm 2018 đạt 3,8 tỷ USD. Những con số ấn tượng này đã vượt qua cả mặt hàng lúa gạo, vốn được coi là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam.
Đại biểu thăm vườn bưởi của nông dân Hồ Minh Khoa ở Bình Hòa B, Song Bình, Chợ Gạo, Tiền Giang. |
Ngay từ đầu năm, ngành xuất khẩu trái cây đón nhận tin vui khi Trung Quốc đồng ý mở cửa nhập khẩu chính ngạch đối với 7 mặt hàng sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu và măng cụt từ Việt Nam. Tín hiệu này củng cố triển vọng kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 10 tỷ USD không còn xa.
Các chuyên gia nhận định, để cạnh tranh ở thị trường quốc tế, trái cây Việt Nam phải đảm bảo số lượng cung ứng lớn, chất lượng cao. Tuy nhiên, một hạn chế đối với các nhà vườn hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ, theo phương pháp truyền thống. Do đó, việc sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng cao và hướng đến hình thành chuỗi giá trị là yêu cầu cấp bách của ngành trái cây Việt Nam và cũng là giải pháp cơ bản để mặt hàng có thể trụ vững ở tất cả thị trường.
Bayer Agricademy trang bị cho nông dân kiến thức về nông học, kỹ thuật canh tác, giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Qua đó, chương trình góp phần cải thiện năng suất, chất lượng và lợi nhuận, tập trung vào mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đẩy nhanh xuất khẩu nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng GDP cũng như hỗ trợ các mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại.
"Chúng tôi mong muốn Bayer Agricademy giúp nông dân trở thành chuyên gia trên chính mảnh vườn của mình, năng suất tăng, chất lượng tăng và thu nhập tăng. Đồng thời, nông dân sau khi tham gia khóa học sẽ giúp đỡ và hỗ trợ các nhà vườn lân cận canh tác thành công hơn", ông Weraphon Charoenpanit - Giám đốc nhánh Khoa học Cây trồng Bayer Việt Nam chia sẻ.
Tiến sĩ Phạm Công Trí, Bộ môn Canh tác, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) tập huấn tái canh cà phê. |
Ở ngành cây ăn quả, Bayer hợp tác với SOFRI cung cấp các giải pháp kỹ thuật Much More Durian, Much More Pomelo giúp tăng năng suất bưởi và sầu riêng qua việc liên kết với các hoạt động ở câu lạc bộ Bayer Much More Fruits.
Ở cây bưởi, nông dân được tập huấn kiến thức và biện pháp khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, còn ở cây sầu riêng sẽ tập trung giúp nông dân khắc phục hiện tượng rụng trái non. Đây là những dịch hại thường xảy ra mà chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết.
Ở ngành cà phê, Bayer phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tập huấn cho nông dân những giải pháp công nghệ cao giúp tái canh cà phê thành công.
Tiến sĩ Lê Quốc Điền - Giám đốc Trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật SOFRI nhận định chương trình đào tạo cung cấp thông tin thiết thực bao gồm quản lý cây trồng và dịch hại. Bài giảng và cẩm nang được thiết kế, hiệu chỉnh về nội dung và hình ảnh minh họa cùng các chủ đề nhằm giúp nông dân dễ hiểu và áp dụng theo.
Tiến sĩ Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Khoa học và Kỹ thuật (SOFRI) hướng dẫn biện pháp khắc phục bệnh vàng lá thối rễ. |
Bên cạnh đó, hội đồng khoa học của chương trình là các nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm đến từ SOFRI, Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học Sinh học Quốc tế của Anh (CABI) cùng Bayer đã hỗ trợ cung cấp kiến thức và xây dựng nội dung cho tài liệu.
Tham gia Bayer Agricademy, nông dân Võ Văn Bảy tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Chương trình giúp nhà vườn nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, ứng dụng quy trình nuôi trồng hiện đại, để sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu".
Nông dân lớp cây bưởi nhận chứng nhận khóa đào tạo Bayer Agricademy. |
Sau đợt tập huấn đầu tiên, Bayer sẽ ghi nhận phản hồi từ các học viên và tìm hiểu thêm nhu cầu của nhà vườn, để liên kết với SOFRI, WASI và các đối tác khác tiếp tục mở rộng chương trình Bayer Agricademy ở nhiều loại cây trồng khác trên cả nước như cây rau màu, bắp, bơ, mãng cầu, măng cụt, mận...
Minh Anh
No comments