Breaking News

CEO Tetra Pak: Công nghệ tái chế tại Việt Nam ở mức trung bình

Ông Jeff Fielkow đánh giá, nếu tăng tỷ lệ thu gom rác thải, bao bì nhựa thì các đơn vị mới sẵn sàng đầu tư công nghệ nhiều hơn so với hiện nay.

Khẳng định công nghệ tái chế rác thải, bao bì tại Việt Nam ở mức trung bình, ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam nhận định vấn đề nằm ở sản lượng. 

"Các nhà máy tái chế cần sản lượng đầu vào. Đầu vào cao thì các đơn vị mới sẵn sàng đầu tư công nghệ để tăng năng lực sản xuất. Vậy nên nếu tăng tỷ lệ thu gom thì công nghệ cũng sẽ hiện đại hơn, tăng hiệu quả tái chế".

Vấn đề công nghệ tái chế, định hướng tái chế bao bì tại Việt Nam được ông đặt ra tại sự kiện ra mắt Liên minh Tái chế bao bì (PRO Vietnam) hôm 21/6 tại tại TP HCM. Với sự tham gia của 9 công ty hàng đầu lĩnh vực tiêu dùng, bao bì bao gồm Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, Lavie, Nestle, Nutifood, Suntory-PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak, TH Group và URC Việt Nam, Liên minh hướng đến mục tiêu giữ gìn và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc ba trong một - dung hòa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường. Các đơn vị tạo ra nền kinh tế tuần hoàn và giúp việc tái chế dễ tiếp cận, bền vững hơn. Mục tiêu là năm 2030 tất cả vật liệu do công ty thành viên sản xuất ra thị trường sẽ được thu gom, tái chế.

Đại diện 9 đơn vị sáng lập cùng ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Vietnam (thứ 5 từ trái sang) bắt tay thể hiện sự đồng thuận trong lễ ký kết. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đại diện 9 đơn vị sáng lập cùng ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Vietnam (thứ 5 từ trái sang) bắt tay thể hiện sự đồng thuận trong lễ ký kết. Ảnh: Thành Nguyễn.

Về cơ cấu tổ chức, liên minh được phân thành 4 ban chuyên trách: chính sách, truyền thông, tài chính, kỹ thuật. Trong đó, ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam giữ nhiệm vụ trưởng ban kỹ thuật.

Chia sẻ về định hướng của PRO Vietnam trong thời gian tới, ông Jeff Fielkow cho biết để tiến hành tái chế hiệu quả thì vấn đề đầu tiên là nâng cao ý thức của người dân. Cụ thể, đơn vị sẽ phát triển những điểm thu gom tập trung (cửa hàng tái chế, trường học, văn phòng...); hoạt động tình nguyện (dọn sạch bãi biển); hỗ trợ lực lượng thu gom tự do, cửa hàng phế liệu (quyên góp găng tay, khẩu trang, máy ép...); chiến dịch thay đổi thói quen phân loại rác...

Sau đó, PRO Viẹtam sẽ tiếp cận hệ thống tái chế, tính bền vững của hệ thống tái chế tại địa phương với mục tiêu các bao bì thu gom phải đạt được giá trị tái chế cao nhất. Ví dụ, để tăng lượng tái chế, các thành viên sẽ hỗ trợ giá, hợp đồng với công ty tái chế, hợp đồng tăng lượng tái chế, phát triển thị trường khép kín trong địa phương, đầu tư vào chuỗi giá trị.

Quan trọng không kém là mức độ tham gia, bởi một dự án tái chế thành công phải có sự chung tay của nhiều bên, gồm cộng đồng, doanh n,ghiệp, cơ quan ban ngành... Ông hy vọng từ 9 đơn vị sáng lập ban đầu, PRO Vietnam sẽ có thêm nhiều thành viên trong tương lai.

Ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong chuỗi tái chế bao bì, có 2 nhóm đối tượng chính là người dùng và nhà máy tái chế. Vì vậy, Tetra Pak tập trung 2 chiến lược chính là khuyến khích người dùng nâng cao ý thức, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nhà máy tái chế tại Việt Nam. 

Với người tiêu dùng, đơn vị thiết lập các điểm thu gom tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội. Hiện có 42 điểm thu gom tại các quận, huyện lớn và nhận được gần 9.000 kg vỏ hộp. Nhiều chương trình được tổ chức tại trường học để nâng cao ý thức cho học sinh, giúp các em hiểu rằng sau khi sử dụng thì bao bì có thể được tái chế, đồng thời hướng dẫn các em phân loại, làm sạch, gấp hộp... Mục tiêu trong năm nay sẽ tổ chức 1.000 chương trình giáo dục phân loại, thu gom bao bì cho các trường mẫu giáo, tiểu học tại TP HCM, Hà Nội.

Còn ở phía nhà tái chế, công ty cung cấp kiến thức rằng những bao bì này có thể tái chế được. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trên thế giới, những nước khác tái chế bao bì đó như thế nào. "Chúng tôi cũng đầu tư kỹ thuật để các nhà tái chế nâng cao năng lực tái chế, chất lượng sản phẩm tái chế", ông Jeff cho biết. Đơn vị từng hỗ trợ các máy ép vỏ hộp sữa giấy cho các nhà máy trên toàn quốc để giảm diện tích kho bãi và thời gian thu gom phế phẩm. 

Mô tả quy trình tái chế hộp giấy Tetra Pak, ông cho biết vỏ hộp sau khi sử dụng xong sẽ được đưa vào một hệ thống để tách các thành phần sợi giấy làm giấy, vở, sổ; lớp màng nhựa mỏng, nhôm mỏng và tách ra để làm tấm lợp hoặc tấm pallet...

"Việc từ một sản phẩm mất bao nhiêu thời gian chuyển sang tái chế thì phụ thuộc vào sự hiện đại của công nghệ. Nếu có đầu vào nhiều hơn mà thời gian xử lý ngắn hơn thì chi phí sẽ giảm đi. Có nghĩa là nhà tái chế có đầu vào nguyên liệu nhiều hơn thì họ sẽ sẵn sàng đầu tư vào công nghệ", ông phân tích thêm.

Từng làm trong lĩnh vực tái chế 20 năm, ông Jeff Fielkow nhấn mạnh sự ra đời của Liên minh Tái chế bao bì là một tín hiệu rất đáng mừng. Vì những nhà tái chế họ cần nhất là sản phẩm để tái chế, thứ hai là sản phẩm đem tái chế phải có chất lượng tốt, độ sạch cao. Nếu mô hình này thành công, tăng nguyên liệu đầu vào cho nhà máy tái chế, đồng thời các nguyên liệu đó có chất liệu tốt thì chắc chắn đơn vị tái chế sẽ có những sản phẩm tốt hơn, giải quyết vấn đề rác thải.

Các bảng hướng dẫn phân loại rác được Tetra Pak đặt tại các trường học.

Các bảng hướng dẫn phân loại rác được Tetra Pak đặt tại các trường học.

Ông Berend Van Wel, Tổng giám đốc Frieslandcampina Việt Nam cũng thể hiện sự đồng tình: "Chúng tôi biết tại Việt Nam đã có sẵn những hệ thống thu gom và tái chế bao bì nhưng việc này chưa được phổ biến. PRO Vietnam sẽ giúp hệ thống này trở nên mạnh hơn và đảm bảo việc thu gom, tái chế được nhân rộng ra càng nhiều càng tốt".

Chủ tịch PRO Vietnam, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết liên minh là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên nền tảng thu hút các thành viên có sản phẩm sử dụng bao bì dùng một lần, nhằm tăng tính lan tỏa về ý nghĩa chương trình.

Hoài Nhơn

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat