Breaking News

Quốc hội chưa muốn ưu tiên 4.000 tỷ trả nợ dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ dùng các nguồn vốn khác để cân đối trả nợ dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. 

Sáng 29/5, trình Quốc hội kế hoạch phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng để trả nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Khoản tiền này được lấy từ nguồn 10.000 tỷ đồng giảm vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đề nghị này từng được Chính phủ đưa ra tại các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháng 4 và 5. 

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Xuân Hoa

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Xuân Hoa

Chính phủ cho rằng, việc dùng một phần tiền từ nguồn 10.000 tỷ đồng trên để thanh toán nợ hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bàng cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng "là khả thi, thuộc nghĩa vụ ngân sách Trung ương và phù hợp với Nghị quyết Quốc hội, kết luận Bộ Chính trị về đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam". 

Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được đồng tình từ phía cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Tài chính ngân sách. Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách dẫn lại quy định Nghị quyết 71, thì khoản tiền 10.000 tỷ đồng được ưu tiên bố trí cho các dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, sạt lở bờ sông... Số còn lại dùng để thanh toán nợ giải phóng mặt băng một số dự án thuộc ngân sách Trung ương cấp bách cần triển khai. 

"Các dự án bố trí đều chưa đủ vốn hoàn thành, trong khi đó lại bố trí hơn 40% vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là chưa hợp lý", ông Nguyễn Đức Hải nói.

Mặt khác, Chính phủ chưa báo cáo rõ việc phát sinh nghĩa vụ của ngân sách là do dự án thay đổi phương án tài chính, chưa làm rõ đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã được phê duyệt hay chưa và trong đề án có nội dung chi trả giải phóng mặt bằng cho dự án này hay không.

"Việc thanh toán nợ cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là cần thiết, song có thể sử dụng nhiều nguồn vốn theo khả năng cân đối ngân sách", báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách nêu.

Ông Nguyễn Đức Hải cũng dẫn kết luận hai phiên họp 33 và 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc danh mục sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng, trừ dự án thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Thay vào đó, cơ quan thường trực Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ rà soát danh mục, thủ tục đầu tư, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án và xây dựng Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

"Chính phủ có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", ông Hải nhấn mạnh và cho hay, Uỷ ban Tài chính ngân sách đang rà soát, dự thảo Nghị quyết để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Năm 2002, dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Chính phủ chủ trương xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).

Để đầu tư theo hình thức PPP, nhà nước phải tham gia 30-50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do nhà đầu tư (Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - Vidifi) lo và hoàn vốn đầu tư bằng thu phí. Như vậy, với tổng mức đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 44.818 tỷ đồng, Nhà nước cần tham gia vốn khoảng 13.000 đến 22.000 tỷ đồng.

Thời điểm đó, do ngân sách khó khăn nên dự án được đầu tư theo cơ chế thí điểm. Phần tham gia vốn Nhà nước vào dự án được trả dần bằng ngân sách và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.

Anh Minh

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat