Breaking News

Đại biểu Quốc hội kiến nghị nới quy định ví điện tử

Dự thảo sửa đổi Thông tư 39 từng gây tranh cãi với quy định mỗi người chỉ có một ví điện tử, mỗi ngày giao dịch tối đa 20 triệu.

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều ngày 30/5, ông Trần Quang Chiểu - đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đưa ra kiến nghị về các giải pháp thực thi chính sách tài chính, tiền tệ, trong đó đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét lại một số quy định về thanh toán đưa vào thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Chiểu đề cập dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 ban hành năm 2014 về trung gian thanh toán và Thông tư 43 năm 2016 về cho vay tiêu dùng. Trong đó Ngân hàng Nhà nước dự kiến hạn chế phương thức giải ngân của các công ty tài chính, hạn chế người dùng chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ.

Đồng thời không được giao dịch quá 20 triệu đồng một ngày, phải khai báo thông tin lại dù đã có thông tin định danh theo tài khoản ngân hàng. Theo ông Chiểu, những nội dung trên có thể sẽ cản trở việc thực hiện phát triển kinh tế số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Mỗi khách hàng cá nhân có thể sẽ chịu giới hạn hạn mức sử dụng ví điện tử dưới 100 triệu đồng mỗi tháng.

Mỗi khách hàng cá nhân có thể sẽ chịu giới hạn hạn mức sử dụng ví điện tử dưới 100 triệu đồng mỗi tháng.

Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến băn khoăn về một số dự thảo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi Chính phủ có chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, nghiên cứu cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử để đáp ứng nhu cầu của người dân, thì dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 có xu hướng siết hoạt động của ví điện tử và gây phiền hà cho người dùng.

Tại hội thảo diễn ra trong tháng 5 do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng tăng rất nhanh, để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử.

Ông Trần Quang Huy - Chủ nhiệm CLB Công nghệ tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng nhận định, về bản chất ví điện tử là tài sản của người dùng, do đó họ cần có quyền định đoạt đối với tài sản của mình. Còn theo khảo sát của Ernst & Young Việt Nam, chi phí thu thập thông tin định danh khách hàng khi mở một tài khoản ngân hàng vào khoảng 300.000 đồng, chưa kể chi phí duy trì, lưu trữ.

Tại họp báo về điều hành chính sách diễn ra đầu tháng 4, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối năm 2018, cả nước tổng số 9 triệu ví điện tử đăng ký. Trong đó có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Thanh toán điện tử thời gian qua phát triển mạnh. Chỉ riêng năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý thông suốt 73 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017, trung bình mỗi ngày xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng.

Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán,tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân tối đa là 20 triệu đồng một ngày và 100 triệu đồng một tháng.

Để xác thực khách hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp; có biện pháp xác định khách hàng là người sử dụng số điện thoại đăng ký mở ví điện tử. Khách hàng phải hoàn thành liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ trước khi kích hoạt ví.

Tổ chức cung ứng dịch vụ không được phép phát hành hơn một ví điện tử cho một khách hàng. Theo cơ quan ban hành, điều này nhằm tránh lãnh phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng đăng ký mở ví điện tử tràn lan, dẫn đến việc sử dụng không thực chất hoặc hành vi lợi dụng để thực hiện rửa tiền, bất hợp pháp.

Khánh Anh

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat