Thúc đẩy tiêu thụ hàng triệu tấn lúa Đông Xuân tại miền Tây
Miền Tây đang thu hoạch vụ lúa lớn nhất trong năm với diện tích 1,6 triệu ha nhưng giá bán thấp, tiêu thụ chậm khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
Nông dân miền Tây thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. Ảnh: Cửu Long. |
Ngày 26/2, tại Đồng Tháp diễn ra hội nghị Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng 350 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành miền Tây cùng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, hợp tác xã; chuyên gia, nhà khoa học tham dự.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Hiện gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2017 và 2018 xuất khẩu gạo cả nước liên tiếp đạt tăng trưởng cả về lượng và giá. Cụ thể, xuất khẩu gạo năm 2018 đạt trên 6,1 triệu tấn, tăng 5,1% so với 2017, trị giá đạt khoảng 3,08 tỷ USD, tăng 16,3%. Giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 452 USD mỗi tấn năm 2017 lên 502 USD vào năm 2018, tương đương và có thời điểm cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu tiềm ẩn những biến động khó lường. Xuất khẩu gạo tháng 1 năm nay đạt hơn 437.000 tấn với giá trị trên 195 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc.
Vụ Đông Xuân 2018 - 2019, Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống gần 1,6 triệu ha lúa, hiện đã thu hoạch khoảng 20% diện tích. Năng suất ước đạt 69 tạ mỗi ha, tăng một tạ so với vụ Đông Xuân năm trước. Sản lượng vụ Đông Xuân này toàn vùng ước đạt trên 11 triệu tấn; trong đó, lượng lúa dành cho xuất khẩu trên 7,3 triệu tấn, tương đương 3,6 triệu tấn gạo.
Mấy ngày qua, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, giá lúa tại miền Tây nhích lên 100 - 300 đồng; hiện dao động ở mức 4.300 - 5.000 đồng mỗi kg, tùy chủng loại. Tuy nhiên, mức giá này thấp hơn khoảng 200 - 300 đồng mỗi kg so với trước Tết Nguyên đán và thấp 800 - 1.000 đồng so với cùng thời điểm năm trước. Với mức giá hiện tại, nông dân có lãi nhưng rất thấp.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyên Xuân Cường, năm 2018 có lũ đẹp, nông dân tranh thủ xuống giống tập trung khi lũ rút. Lúa trúng mùa nhưng chín sớm, lại thu hoạch tập trung nên khó bán, giá giảm. Do khó khăn đầu ra nên doanh nghiệp cũng có tâm lý chưa mua.
Một sân phơi lúa thủ công của người dân miền Tây. Ảnh: Cửu Long. |
Theo Bộ Công thương, hiện một số nước thay đổi phương thức nhập khẩu gạo: Cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt đấu thầu để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh. Nhiều nước trong khu vực nỗ lực xuất khẩu gạo... Các động thái này đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua. Vì thế, dự báo Việt Nam khó duy trì giá xuất khẩu gạo như năm 2018 và đối mặt với cạnh tranh lớn khi nhu cầu nhập khẩu giảm ở một số thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ diễn biến phức tạp và cạnh tranh khốc liệt hơn. Theo ông, hiện nay do tình hình thu hoạch rộ nên nhu cầu mua dự trữ lưu thông tăng đột biến. Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh lương thực đều thiếu vốn dự trữ lưu thông so với hoạt động bình thường.
VFA đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại có gói tín dụng riêng cho đợt thu mua dự trữ này, thời gian dài tối đa 6 tháng để các doanh nghiệp tăng cường thu mua hết lúa hàng hóa trong tháng 3 và chủ động lựa chọn thời gian bán ra thích hợp. Qua đó giúp nông dân có nguồn vốn kịp thời tác đầu tư cho vụ hè - thu sắp tới.
Về lâu dài, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng Bộ Nông nghiệp cần tái cơ cấu ngành xuất xuất lúa gạo theo hướng giảm lượng, tăng chất, gắn sản xuất với cung cầu thị trường. Doanh nghiệp cần dự báo được nhu cầu thị trường để đặt hàng nông dân sản xuất. Có cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời phát huy vai trò của các địa phương trong việc kết nối, giám sát hiệu quả mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.
Cửu Long
No comments