Những điều chưa kể đằng sau mỗi thanh thép Việt
Hai tuyến đường Tỉnh lộ 388 và 389 chạy qua nối liền Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 đến các vùng trọng điểm của cả nước là Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Nhờ vậy, Hiệp Sơn có vị trí giao thương hàng hóa quan trọng của khu vực.
Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, hơi lồi lõm, độ chênh cao không lớn thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp. Con sông Kinh Thầy hiền hòa nằm kế bên càng gia tăng sự đắc địa cho vị trí địa phương. Hiệp Sơn giờ trở thành nơi đóng đô của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xi măng, ôtô, thép... Cơ cấu sản xuất địa phương chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát nằm ngay Tỉnh lộ 389, khởi công đầu năm 2008. Dự án chỉ cách Hà Nội 90km, cách Hải Phòng 30km và khu neo Hòn Nét 70km. Với tổng diện tích lên đến 132hecta, công suất gần 2 triệu tấn một năm, khu liên hợp chia làm 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn nhất của Hòa Phát sau hơn 10 năm làm thép.
Cổng khu liên hợp sản xuất nhìn thẳng ra Tỉnh lộ. Những ai lần đầu tiên bước vào dễ choáng ngợp trước độ cao của các lò đốt. Toàn khu có những con đường nhựa phẳng đan xen ô bàn cờ ghi tên, đánh số. Ven đường là các hàng cây xanh mướt mắt.
Phòng làm việc của ông Nguyễn Đức Duyến ngay tầng một tòa nhà điều hành sát cổng khu liên hợp. Ông là một trong 3 phó giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương (thành viên của Tập đoàn Hòa Phát và chủ đầu tư khu liên hợp gang thép tại Hải Dương).
Vị lãnh đạo này có 18 năm kinh nghiệm và gắn bó tại nhà máy Hưng Yên. Khi khu liên hợp tại Hải Dương triển khai, một số công ty sáp nhập, theo chỉ đạo cấp trên ông về Hải Dương đảm nhiệm cương vị mới.
Vận đồng phục bảo hộ màu ghi, thi thoảng ông ngước nhìn màn hình LED 50 inch gắn tường bên phải theo dõi hoạt động tại các khu sản xuất. Cần thiết ông nhấc bộ đàm trao đổi với vị quản lý trực tiếp. Phía trái tường là tấm bảng in sơ đồ kỹ thuật mô tả vị trí từng khu vực sản xuất tại khu liên hợp.
"2009 là thời điểm cực kỳ khó khăn không chỉ với toàn bộ cán bộ, kỹ sư nhà máy", ông Duyến nhớ lại.
Khi đó dự án bắt đầu vận hành thử nhưng không thuận lợi, trục trặc nhiều, có khi chỉ đạt 20-30% công suất thiết kế. Nhân sự tại công ty đa phần là điều chuyển từ Hưng Yên sang hoặc kỹ sư mới ra trường. Kiến thức về cán thép, luyện kim từ lý thuyết đến thực tiễn khác xa. Công ty phải thuê toàn bộ đội chuyên gia nước ngoài vận hành trong một năm.
Thay vì phải mất cả năm để đạt tới 90% công suất như trong giai đoạn một, ở giai đoạn hai của khu liên hợp Hòa Phát chỉ mất 3 tháng để đạt 100% công suất thiết kế và sau khi hoàn tất giai đoạn ba. Kể từ khi lò cao thứ 2 vận hành, gần như nhân lực của công ty tiếp quản và làm chủ công nghệ.
"Lò cao số một là cái giá phải trả để có kinh nghiệm sau này. Chúng ta phải chấp nhận để giỏi thì phải có khó khăn. Không ai làm ngay mà tốt được bao giờ, trừ thiên tài. Mà thiên tài thì rất hiếm’, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hòa Phát chia sẻ.
Chính thức đi vào vận hành vào năm 2010, khu liên hợp sản xuất thép tại Hiệp Sơn là một trong những khu liên hợp có chu trình sản xuất thép đồng bộ, khép kín từ quặng sắt đến thép thành phẩm, quy mô hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đây là dự án trọng điểm tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn nhất cho Hòa Phát góp phần đưa doanh nghiệp trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.
No comments