Khối ngoại mua ròng gần 4.000 tỷ đồng từ đầu năm
Động thái mua ròng được đẩy mạnh từ sau Tết Nguyên đán, tập trung chủ yếu vào những mã bluechip trên thị trường.
Đóng góp của nhóm nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh kể từ đầu năm 2019.
Diễn biến VN-Index kể từ đầu năm 2019. Ảnh: VNDirect |
Chỉ trong gần hai tháng đầu năm, VN-Index đã tăng hơn 100 điểm, tương đương hơn 11%, tiến gần mốc 1.000 điểm. Khối ngoại trong thời gian này cũng đẩy mạnh mua ròng liên tục trên toàn thị trường với tổng giá trị hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó riêng thị trường cổ phiếu mua ròng hơn 3.800 tỷ đồng. Quá nửa con số này đến từ giao dịch sau Tết Nguyên đán.
Kể từ đầu tháng 2, dù vướng lịch nghỉ Tết Nguyên đán 10 ngày đầu tháng, dòng tiền từ khối ngoại vẫn trở thành một trong những "trụ cột" chính đóng góp vào đà tăng của VN-Index.
Tổng khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tính đến phiên giao dịch ngày 25/2 đã gấp gần 3 lần tháng 1 với giá trị hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng thị trường cổ phiếu, khối lượng mua ròng đạt gần 2.700 tỷ đồng.
Đơn cử như cổ phiếu HPG của Hòa Phát. Từng là cái tên bị "xa lánh" trong những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, HPG đã trở lại trong danh mục các quỹ ngoại với khối lượng mua ròng hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên.
Tính riêng 11 phiên giao dịch sau Tết, HPG được khối ngoại mua ròng gần 20 triệu đơn vị với giá trị hơn 600 tỷ đồng. Động thái này giúp HPG, từ một cổ phiếu bị bán ròng hơn 10 triệu đơn vị trong tháng đầu năm, trở lại trạng thái mua ròng tính từ đầu năm 2019.
Ngoài HPG, nhiều mã chứng khoán khác trong nhóm bluechip như VNM, MSN, VCB hay SSI cũng trở lại "đường đua" với dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn biến này có phần trái ngược với những gì đã diễn ra trong năm 2018, đặc biệt là những tháng cuối năm. Động thái rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chao đảo trong nửa cuối năm trước.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tổng cả năm 2018 khối ngoại giữa trạng thái bơm ròng gần 43.000 tỷ đồng vào thị trường, song phần lớn số tiền này chỉ đổ vào một số thương vụ lớn như của NVL (3.500 tỷ), VHM (28.500 tỷ) hay MSN (10.000 tỷ). Qua phương thức khớp lệnh, khối ngoại bán ròng xuyên suốt cả năm với giá trị đạt 16.000 tỷ.
"Điều này phần nào lý giải diễn biến kém tích cực của thị trường chung", báo cáo của VDSC viết.
Đánh giá về năm 2019, công ty chứng khoán này cho rằng sự giảm dần của các gói nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa đang diễn ra trên toàn cầu, có khả năng khiến dòng tiền nước ngoài đổ vào các thị trường cận biên như Việt Nam sẽ không cao như những năm trước.
Tuy nhiên VDSC cũng cho rằng vẫn còn yếu tố tích cực từ khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp.
"Câu chuyện thăng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi có thể là điểm tích cực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ở một vài thời điểm trong năm. Điều này sẽ khiến giá và thanh khoản thị trường biến động nhiều hơn", VDSC bình luận.
Minh Sơn
No comments