Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên toàn thể diễn ra vào tháng 3
ViEF phiên toàn thể được tổ chức vào ngày 19-20/3 với nhiều điểm nhấn đặc biệt như hiến kế cho Chính phủ, tôn vinh doanh nhân nữ.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) là sự kiện quy mô quốc gia thảo luận các vấn đề then chốt, chiến lược về kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Năm 2018, Diễn đàn đã tổ chức thành công nhiều Hội thảo chuyên gia và Diễn đàn chuyên đề xung quanh các lĩnh vực: Nông nghiệp, Công nghệ thông tin, Thị trường Vốn - Tài chính, Thuận lợi hóa thương mại và Du lịch, mang đến nhiều kết quả tích cực. Tới đây, phiên toàn thể của Diễn đàn sẽ diễn ra vào tháng 3/2019, với quy mô lớn nhất.
Phiên toàn thể này là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân, chuyên gia đưa ra hiến kế cụ thể cho Chính phủ trong các lĩnh vực Du lịch; Tài chính; Kinh tế số; Nông nghiệp; Sản xuất; Khởi nghiệp. Từ các hiến kế, đối thoại này, Diễn đàn sẽ đưa ra cơ cấu, chính sách tốt để đề xuất lên Chính phủ, với mục tiêu gia tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Trong phiên diễn ra cả ngày 19/3, các doanh nghiệp tư nhân cùng chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ cùng thảo luận về hiến kế trong từng nhóm lĩnh vực.
Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chủ đề chính được mang ra bàn thảo là giải pháp nào cho Quỹ hưu trí tự nguyện triển khai thành công ở Việt Nam, trong đó đề xuất xây dựng và thí điểm vận hành thành công quỹ hưu trí tự nguyện trong năm 2019. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đi tìm giải pháp chiến lược phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bên lề Diễn đàn Du lịch tháng 12/2018. |
Về sản xuất công nghiệp, dệt may là tâm điểm với bài toán tăng cường tỷ lệ nội địa hóa sản xuất chuỗi dệt may. Trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức từ CPTPP, đây là yếu tố để phát huy sức mạnh nội tại của ngành, tạo đà bứt phá những năm tới.
Tại thảo luận về du lịch, các diễn giả sẽ bàn về việc làm thế nào để khách du lịch đến và quay trở lại Việt Nam thông qua cải thiện chính sách du lịch. Các giải pháp được đưa ra bao gồm cải thiện chính sách visa, nâng cao hạ tầng hàng không, quản lý điểm đến.
Thúc đẩy thanh toán điện tử, hướng tới mục tiêu "Vì một Việt Nam không tiền mặt" là chủ đề của thảo luận trong lĩnh vực kinh tế số. Các diễn giả sẽ cùng tìm giải pháp thực hiện e.ID, dữ liệu mở, hiến kế cho Chính phủ tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Về nông nghiệp, bài toán đặt ra là làm sao để có những doanh nghiệp dẫn dắt thị trường cho nông sản Việt. Theo đó, Việt Nam cần có các doanh nghiệp trụ cột nhằm giải quyết khủng hoảng thừa trong nông sản. Các diễn giả cũng tập trung tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nông sản Việt đáp ứng nhu cầu thị trường với trọng tâm xây dựng và hình thành các chuỗi trong ngành nông nghiệp.
Ở phần thảo luận dành cho startup, các đại biểu, khách mời sẽ nói về cơ hội cho các hình thái kinh tế mới, tìm hiểu vị trí của Việt Nam đang ở đâu khi thế giới mới đang chuyển động. Các diễn giả hàng đầu trên thế giới sẽ nói về về mô hình Sharing Economy, Airbnb, Grab...
Tại phiên chính của Diễn đàn vào sáng 20/3, ngoài phần tổng hợp và đưa ra Hiến kế mà các diễn giả đã cùng bàn luận đưa lên Thủ tướng Chính phủ, ViEF sẽ có phần đối thoại chính sách sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các ngành dệt may, logistics, SME, da giày... Hiệp hội các ngành hàng trong và ngoài nước, đại diện Amcham, Cancham, US-ABC, Eurocham, JBAV, Korcham sẽ trực tiếp đề xuất các ý kiến lên Thủ tướng.
Diễn đàn cũng là cơ hội cất lên tiếng nói của khu vực tư nhân với sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu Việt Nam như và một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, startup tiêu biểu.
Các diễn đàn chuyên đề của ViEF diễn ra trong 2018 thu hút đông đảo sự tham dự của các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước. |
Được tổ chức vào tháng 3, Diễn đàn cũng có thêm điểm nhấn đặc biệt là Talkshow của các nữ doanh nhân, nơi họ chia sẻ về những giấc mơ, hoài bão, khát khao vì sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Phiên thảo luận cũng là nơi dành riêng cho các nữ doanh nhân được kết nối, đối thoại trực tiếp với các nữ chính trị gia hoạch định chính sách, cùng nhau kết nối trở thành một phần trong ViEF - Women.
ViEF có thêm hoạt động bên lề Gala Dinner - đêm dạ tiệc vinh danh thành tựu của khu vực kinh tế tư nhân cũng là cơ hội để ghi nhận sự đóng góp, phát triển của doanh nghiệp Việt. Đây cũng là cầu nối gần hơn giữa Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và quốc tế.
Ngoài ra, Diễn đàn dành phần lớn diện tích cho không gian triển lãm trưng bày và tôn vinh những thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thành công của nền kinh tế tư nhân trong năm 2018.
Góp mặt tại triển lãm là các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực: nông nghiệp, tài chính, du lịch, công nghệ, sản xuất, startup, nhân lực... Tại đây, ban tổ chức dành không gian riêng để liên tục tiếp nhận những sáng kiến, hiến kế của người tham dự. Các ý kiến đóng góp sẽ được gửi đến Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các cơ quan liên quan thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
ViEF được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, dự kiến thu hút 5.000 khách trong nước và quốc tế tham dự cho tất cả các hoạt động. Sự kiện do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Chính phủ phối hợp với Báo VnExpress tổ chức.
Tham khảo thông tin Diễn đàn tại đây.
VnExpress
No comments